Hòa giải trong tố tụng dân sự
Trong Tố tụng Dân sự (TTDS), xét theo nghĩa rộng thì hòa giải không những chỉ là chế định quan trọng trong TTDS do Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành trước khi có quyết định đưa vụ việc ra giải quyết bằng một phiên tòa xét xử hoặc một phiên họp theo quy định của pháp luật mà còn là một thủ tục do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các bên đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Do đó, nếu chế định hòa giải không được quan tâm trong việc giải quyết vụ việc dân sự thì quyền và lợi ích của các bên đương sự sẽ không được bảo đảm.
Cơ sở hòa giải
Là quyền tự định đoạt của các đương sự. Để giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tòa án không chỉ xét xử mà còn hòa giải vụ án dân sự. Điều 10 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) quy định,Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật này
Phạm vi hòa giải
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm bởi thông qua hòa giải, quyền tự định đoạt của đương sự được đề cao, rút ngắn quá trình tố tụng, giảm thiểu chi phí tố tụng, đồng thời còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc trong việc củng cố khối đoàn kết dân tộc.
Cũng giống như quy định tại BLTTDS 2004, phạm vi hòa giải vụ án dân sự rất rộng, đó là những tranh chấp được quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Nội dung hòa giải
Là các vấn đề của vụ án cần được các bên thỏa thuận với nhau để giải quyết, tùy từng vụ án mà nội dung hòa giải sẽ khác nhau. Toà án xem xét các yêu cầu cụ thể của đương sự trong vụ án phải giải quyết để tiến hành hoà giải từng yêu cầu theo thứ tự hợp lý.
Hoạt động hòa giải được tiến hành trước khi xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự thì toán án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Như vậy, việc hòa giải trước khi xét xử sơ thẩm là thủ tục bắt buộc, trừ những trường hợp không hòa giải được hoặc pháp luật quy định không được hòa giải. Quy định này xuất phát từ tầm quan trọng của hòa giải. Nếu hòa giải thành cũng có nghĩa là Tòa án đã hoàn thành việc giải quyết vụ án mà không cần mở phiên tòa.