Hành vi kết hôn giả tạo bị xử lý như thế nào?
Mục lục
Kết hôn giả tạo là hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình. Đây là trường hợp nam nữ kết hôn không nhằm xây dựng gia đình mà chỉ lợi dụng hôn nhân để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch… Vậy hành vi này bị xử lý như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau.
Kết hôn giả tạo là gì?
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì “Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.”
Kết hôn giả tạo là thuật ngữ chỉ về một cuộc hôn nhân có mục đích cá nhân, thỏa thuận ngầm hoặc trái quy định với pháp luật để tiến hành kết hôn vì những lý do khác hơn là những lý do xây dựng gia đình hay kết hôn trên cơ sở tình yêu.
Kết hôn giả tạo nói chung là vẫn đảm bảo về mặt thủ tục và cặp vợ chồng vẫn được cấp hôn thú tuy nhiên mục đích kết hôn không đảm bảo, việc kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, chứ hai người không hề chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích.
Kết hôn giả tạo có vi phạm pháp luật hay không?
Theo khoản 2 Điều 5 Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
…”
Như vậy, kết hôn giả tạo là hành vi bị cấm theo pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi kết hôn giả tạo không nhằm hướng đến hôn nhân bền vững mà nhằm qua mặt pháp luật trong các trường hợp nhất định.
Kết hôn giả tạo bị xử lý như thế nào?
Kết hôn giả tạo là hành vi bị cấm, chủ thể có hành vi kết hôn giả tạo phải chịu các chế tài sau:
Hủy kết hôn giả tạo, chấm dứt quan hệ vợ chồng
Việc xử lý kết hôn giả tạo và hậu quả pháp lý được quy định như sau theo Điều 11, Điều 13 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 11. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật
1. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.
2. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.
….”
“Điều 12. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật
1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.”
Xử phạt hành chính hành vi kết hôn giả tạo
Việc kết hôn giả tạo có thể chịu chế tài hành chính theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;”