Quy định về các trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án có hiệu lực từ ngày 01/02/2023
Mục lục
Ngày 15/12/2022, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-TANDTC chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2023. Theo đó, Thông tư quy định rõ các trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án.
1. 5 trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án
Căn cứ Điều 5 Thông tư số 01/2022/TT-TANDTC quy định về những trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án như sau:
“Điều 5. Những trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án
Tại thời điểm phân công giải quyết án, Thẩm phán thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được phân công giải quyết án:
- Thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi theo quy định của pháp luật tố tụng đối với vụ việc đó.
- Đang trong thời gian được cử đi biệt phái, công tác, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn có thời hạn từ 01 tháng liên tục trở lên.
- Đang trong thời gian nghỉ phép, nghỉ chế độ thai sản, nghỉ điều trị bệnh hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ.
- Đang trong thời gian bị kỷ luật, chờ xem xét kỷ luật hoặc thuộc trường hợp bị tạm dừng phân công giải quyết án theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Trường hợp khác mà Thẩm phán không thể thực hiện được nhiệm vụ giải quyết, xét xử vụ việc.”
Theo quy định này thì tại thời điểm phân công Thẩm phán giải quyết án, nếu như Thẩm phán thuộc vào một trong 5 trường hợp nêu trên sẽ không được phân để giải quyết vụ án. Ví dụ: Tại thời điểm phân công giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty A và ông B thì Thẩm phán C không có đủ sức khỏe (do đang điều trị bệnh nặng) để thực hiện nhiệm vụ. Vì thế Thẩm phán C sẽ không được phân công giải quyết vụ án này.
2. Căn cứ để phân công Thẩm phán giải quyết án
Hiện nay, theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 01/2022/TT-TANDTC thì khi tiến hành phân công Thẩm phán giải quyết án cần căn cứ vào các tiêu chí dưới đây, bao gồm:
- Số lượng, tính chất phức tạp của vụ việc được phân công cho các Thẩm phán giải quyết trong 01 năm tại mỗi Tòa án là tương đương nhau.
- Phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm xét xử, giải quyết loại vụ việc đó. Đối với vụ việc có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên thì phân công Thẩm phán là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.
- Phù hợp với vị trí công tác, chức vụ Thẩm phán đang đảm nhiệm.
- Thẩm phán trong Tổ Thẩm phán chuyên trách; Thẩm phán trong Tòa chuyên trách thuộc lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên phân công giải quyết vụ việc thuộc lĩnh vực đó.
- Thẩm phán giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Tòa án nhân dân cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện được phân công giải quyết án theo chỉ tiêu do Tòa án nhân dân tối cao quy định. Thẩm phán nữ trong thời gian 03 tháng trước khi nghỉ chế độ thai sản và 03 tháng sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản được phân công giải quyết án với chỉ tiêu tối đa bằng 50% so với Thẩm phán khác.
3. Phân công giải quyết án có những phương thức nào?
Phương thức phân công án gồm phân công giải quyết án chỉ định và phân công giải quyết án ngẫu nhiên. Đối với mỗi phương thức áp dụng đối với các vụ việc khác nhau.
3.1. Phương thức phân công giải quyết án chỉ định được áp dụng đối với các vụ việc:
Phân công Thẩm phán giải quyết án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm khi thuộc một trong các trường hợp:
- Vụ án hình sự phức tạp liên quan đến yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
- Vụ việc liên quan đến bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; chính trị, đối ngoại, an ninh, tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Phân công Thẩm phán làm thành viên Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Phân công Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn dưới 01 tháng theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Chánh án Tòa án.
Phân công giải quyết án trong trường hợp thay đổi Thẩm phán theo quy định.
3.2. Phương thức phân công giải quyết án ngẫu nhiên được áp dụng đối với các vụ việc:
- Vụ việc không thuộc trường hợp phân công giải quyết án chỉ định
- Căn cứ Danh sách Thẩm phán và Danh sách vụ việc theo hướng dẫn, tại mỗi lần phân công, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết án bằng phương thức ngẫu nhiên theo trình tự sau đây cho đến khi hết Danh sách vụ việc:
- Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết ít hơn sẽ được phân công trước;
- Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết ngang nhau thì phân công cho Thẩm phán có số lượng vụ việc đang tạm đình chỉ giải quyết nhiều hơn trước;
- Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết ngang nhau; số lượng vụ việc đang tạm đình chỉ giải quyết ngang nhau thì phân công cho Thẩm phán có số lượng vụ việc quá hạn luật định ít hơn trước;
- Trường hợp các Thẩm phán có số lượng vụ việc đang giải quyết, vụ việc đang tạm đình chỉ, vụ việc quá hạn luật định ngang nhau thì phân công cho Thẩm phán có số lượng vụ việc bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong thời hạn 01 năm kể từ ngày phân công ít hơn trước;
- Trường hợp các Thẩm phán có tiêu chí trên ngang nhau thì phân công cho Thẩm phán có tên đứng trước trong bảng chữ cái tiếng Việt trước;
- Trường hợp Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi theo quy định của pháp luật tố tụng đối với vụ việc đó thì phải phân công vụ việc tiếp theo trong Danh sách vụ việc.
- Lần phân công giải quyết án tiếp theo, căn cứ vào Danh sách Thẩm phán đã được cập nhật thông tin đến thời điểm phân công án để tiếp tục phân công giải quyết án bằng phương thức ngẫu nhiên theo hướng dẫn.
Có một lưu ý là: Chánh án Tòa án có thể ủy quyền việc phân công giải quyết án cho Phó Chánh án Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng Chánh án Tòa án có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân công giải quyết án tại Tòa án mình.