Sử dụng ma túy bị xử lý như thế nào?
Mục lục
Sử dụng ma túy là một trong những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc có trên 200.000 nghìn người nghiện, trong đó có gần 70.000 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là một con số đáng lo ngại và dường như số liệu này vẫn tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng rất lớn đến bản thân, gia đình người nghiện ma túy và trở thành hệ lụy của toàn xã hội. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về việc xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Sử dụng ma túy gây ảnh hưởng đến xã hội như thế nào?
Không chỉ gây hậu quả đến sức khỏe cho chính mình, người sử dụng chất ma túy còn có thể trở thành gánh nặng của xã hội. Hàng năm, Nhà nước phải bỏ ra số lượng lớn khoản tiền chi cho việc tiêu hủy cây thuốc phiện và thực hiện công tác cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, phần đông người nghiện ma túy có thể trạng yếu, không thể tham gia vào lao động. Điều đó dẫn đến thu nhập quốc dân giảm nhưng chi phí y tế dự phòng lại tăng.
Ngoài ra, tác hại của ma túy đối với người dùng là có thể dẫn đến các tệ nạn xã hội, gia tăng tình hình tội phạm trong nước, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, làm nguy hại đến quyền lợi của các chủ thể khác. Một số “căn bệnh xã hội” do ma túy tác động phải kể đến như trộm cắp, buôn bán ma túy, khủng bố, mại dâm, cờ bạc,…
Sử dụng chất ma túy bị xử lý ra sao?
Dùng ma túy là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, tùy mức độ và tính chất, hình thức của việc xử lý sẽ khác nhau. Theo đó, người nghiện ma túy có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính với người sử dụng chất ma túy
Đối với trường hợp sử dụng chất ma túy lần đầu, sẽ bị áp dụng biện pháp quản lý quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Phòng chống ma túy 2021. Tuy nhiên, người bị coi là dùng ma túy phải thuộc một trong những căn cứ quy định tại Điều 38 Nghị định 105/2021/NĐ – CP như sau:
- Tin báo, tố giác của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được xác minh, làm rõ.
- Thông tin, tài liệu trong các vụ vi phạm pháp luật.
- Người có biểu hiện mất năng lực nhận thức hoặc kiểm soát hành vi nghi do sử dụng ma túy.
- Trên người, phương tiện, nơi ở của người đó có dấu vết của chất ma túy.
- Người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng ma túy.
- Người có mặt tại các địa điểm có hành vi tổ chức, chứa chấp hoặc sử dụng ma túy trái phép không có lý do chính đáng.
- Người tự khai báo hành vi sử dụng chất ma túy.
- Người bị phát hiện quả tang sử dụng chất ma túy.
- Những căn cứ khác theo quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được thông báo về đối tượng sử dụng chất ma túy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người dùng ma túy cư trú sẽ tiến hành tổ chức và quản lý. Đồng thời, người dùng loại chất cấm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ – CP. Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành “ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.
Truy cứu trách nhiệm hình sự với người dùng ma túy
Hiện nay, Bộ luật Hình sự đã không còn quy định về tội danh đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, nếu người sử dụng và có những hành vi khác như rủ rê, lôi kéo người khác cùng dùng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy,… thì sẽ bị xử lý hình sự tương ứng với những hành vi đó. Cụ thể như sau:
- Đối với trường hợp lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo khoản 1 Điều 258 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Ngoài ra, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng của Điều luật này, khung hình phạt sẽ tăng lên.
- Đối với trường hợp cưỡng bức người khác sử dụng chất ma túy sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo khoản 1 Điều 257.
- Ngoài ra, đối với những trường hợp như sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán chất ma túy sẽ được xử lý theo quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 Bộ luật Hình sự 2015.