Tội cưỡng bức lao động theo quy định pháp luật
Cùng với sự phát triển của kinh tế, tình trạng cưỡng bức lao động cũng theo đó mà phát triển nhanh hơn, thủ đoạn tinh vi hơn. Vì thế, nhằm bảo vệ người lao động, hướng tới bảo vệ quyền con người, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) đã bổ sung những điều khoản về hành vi cưỡng bức lao động (Điều 297).
Về khách thể
Hành vi cưỡng bức lao động xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, mà cụ thể ở đây là người lao động.
Về chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kì ai đạt độ tuổi luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Mặc dù, khi nhắm đến quan hệ lao động những điều luật này không bó hẹp phạm vi cho người sử dụng lao động mới có thể trở thành chủ thể thực hiện tội cưỡng bức lao động,
Mặt khách quan
Bất cứ hành vi nào của chủ sử dụng lao động (hoặc người đại diện chủ sử dụng lao động, lãnh đạo các cấp được chủ sử dụng lao động phân quyền và chỉ đạo hành động) mang bản chất đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực, hoặc thủ đoạn khác buộc người lao động phải lo lắng, sợ sệt và phải lao động trái với ý muốn của họ, thì đều được coi là những hành vi nằm trong nhóm hành “cưỡng bức lao động“.
Lỗi
Hành vi cưỡng bức lao động là lỗi cố ý. Bởi lẽ, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Hình phạt
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong ba trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
Đặc biệt, nhằm xử phạt nghiêm những người có hành vi cưỡng bức lao động, đồng thời tăng tính răn đe đối với người khác, Khoản 3 Điều này đã quy định mức phạt tù cao nhất đến 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong ba trường hợp sau:
– Làm chết 02 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Bên cạnh hình phạt chính, người phạm tội cưỡng bức lao động còn phải chịu hình phạt bổ sung như phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.