Tội vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động
Hiện nay, tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) ở nước ta xảy ra ngày càng nhiều. Trong đó, có hàng loạt vụ việc dẫn đến chết người, gây bao đau thương tang tóc cho nhiều gia đình. Những người lao động bị TNLĐ có thể trở thành gánh nặng của người thân và xã hội vì không còn khả năng lao động. Để ngăn chặn sự “bùng nổ” TNLĐ, pháp luật hình sự nước ta đã xây dựng điều khoản về tội vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm;”
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
– Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
– Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
* Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.
* Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, tội vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi đông người là hành vi của người thực hiện hoặc người có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Đây là lỗi vô ý bởi người vi phạm quy định này không mong muốn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do quá cẩu thả.
Mặt khách quan
Hành vi phạm tội này bao gồm 3 loại:
– Vi phạm các quy định về an toàn trong lao động sản xuất;
– Vi phạm các quy định về vệ sinh lao động;
– Vi phạm các quy định về an toàn ở những nơi đông người.
Hành vi vi phạm
– Đưa vào sử dụng các trang thiết bị lao động sản xuất không đảm bảo an toàn
– Không cấp hoặc cấp không đúng tiêu chuẩn, chủng loại các phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động;
– Không thực hiện các quy định về vệ sinh công nghiệp;
– Không đảm bảo các điều kiện an toàn chung ở nơi đông người.
Hậu quả
– Chết người, thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
– Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Những quy định trên đây thực sự là hồi chuông cảnh báo những người đã, đang coi thường quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi đông người. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm với người lao động của mình để hạn chế tới mức thấp nhất khả năng xảy ra tai nạn lao động.