Tội tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy
Mục lục
Tội tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy được xem xét trên hai khía cạnh, một là tàng trữ trái phép chất ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy. Việc tàng trữ trái phép chất ma túy là hành vi cất giữ trái phép chất ma túy nhưng không nhằm mục đích mua bán, sản xuất, vận chuyển. Việc sử dụng chất ma túy trái phép tùy trong từng trường hợp sẽ có từng mức xử phạt khác nhau.
1. Tội tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy
1.1. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
Theo quy định của luật hình sự thì tàng trữ ma túy trái phép được hiểu như sau:
Tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP có quy định:
“3.1. “Tàng trữ trái phép chất ma túy” là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất giấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này”.
Hành vi cất giữ, giấu ma túy không theo quy định của pháp luật nhưng không nhằm mục đích để mua bán, vận chuyển hay sản xuất chất ma túy thì được xác định là tàng trữ ma túy.
Xử phạt hành chính hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy:
– Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy (là chất gây nghiện gồm: thuốc phiện, ma túy đá…) mà chưa thuộc các trường hợp phải chịu các hình phạt trong BLHS thì bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định tại Khoản 6 điều này.
– Hành vi vi phạm nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
– Người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Ngoài ra còn bị tịch thu tang vật và người nước ngoài có thể bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Xử lý hình sự hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy:
– Chủ thể của tội tàng trữ trái phép ma túy nêu trên là bất kỳ cá nhân nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định của pháp luật nếu mức độ của hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nghiêm trọng có thể bị xử phạt hình sự. Theo quy định tại 249 Bộ Luật Hình sự, mức hình phạt tù có thể từ 1 năm đến 15 năm tùy theo mức độ vi phạm.
– Người phạm tội tàng trữ trái phép chất ma tuý thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, tức là nhận thức rõ mình đang thực hiện hành vi bị pháp luật cấm, gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy còn có thể truy tố đồng phạm nếu chứng minh có người giúp sức.
1.2. Sử dụng trái phép chất ma túy
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự hiện nay không bao gồm hành vi sử dụng ma túy trái phép. Vì vậy có thể thấy hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được xem là phạm tội và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vẫn bị xử lý hành chính theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ theo khoản 1 và 2 Nghị định số 167/2013/NĐ – CP về việc vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép; Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Luật phòng chống ma túy 2000 (sửa đổi 2008):
– Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
Như vậy, người nào có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt hành chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người sử dụng ma túy sẽ bị phạt tiền 500.000 – 1.000.000 đồng. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đồng thời người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chứa chấp,… được quy định tại chương XX Bộ luật Hình sự hiện hành thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội phạm mà pháp luật có quy định.
2. Nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ sử dụng ma túy ngày càng tăng
2.1. Từ phía gia đình
Môi trường cuộc sống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý cũng như nhân cách của trẻ. Sự buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái và không khí gia đình luôn căng thẳng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đứa trẻ tiếp cận với ma tuý và trở thành kẻ nghiện ma tuý.
2.2. Từ phía nhà trường và xã hội
Tổ chức và kỷ luật của nhà trường còn lỏng lẻo, mang nặng hình thức, thành tích không đi vào những vấn đề trực tiếp như tệ nạn xã hội. Không trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết để tránh được những cám dỗ.
Xã hội còn thiếu ”sân chơi” lành mạnh, nếu muốn giải trí các em phải tìm đến các địa điểm tự do mà ở đó có nhiều kẻ tội phạm ma túy không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo sa ngã đi vào con đường giống mình…
2.3. Quy định của pháp luật không đủ sức răn đe
Những trường hợp bị bắt đang sử dụng ma túy, tuy nhiên chưa giải quyết triệt để và nghiêm túc tạo điều kiện cho người nghiện phát triển mà để họ tái nghiện.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại hậu quả của ma túy còn chưa đủ mạnh, chưa sâu, nặng về hình thức mà chưa gắn với hoạt động thực tế. Do vậy, vẫn còn không ít người chưa nhận thức và hiểu biết được tác hại của ma túy.
2.4. Ý thức mỗi cá nhân
Nhiều người còn thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ dùng thử ma túy cho dù chỉ thử một lần nhưng vẫn bị nghiện ma túy.
Bản thân không có sự kiên quyết, bản lĩnh để vượt qua cám dỗ.