Sử dụng ma túy bị phạt như thế nào?
Mục lục
Hành vi sử dụng ma túy bị phạt như thế nào luôn là câu hỏi của rất nhiều người. Bài viết hôm nay chúng ta cập nhật cho các bạn những vấn đề pháp lý xung quanh hành vi sử dụng ma túy.
1. Sử dụng ma túy bị phạt như thế nào?
Ma túy tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau và có nhiều cách thức để đưa ma túy vào cơ thể như: nuốt, hút, hút, ngửi, chích, tiêm,…
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự hiện nay không bao gồm hành vi sử dụng ma túy trái phép. Vì vậy có thể thấy hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được xem là phạm tội và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vẫn bị xử lý hành chính theo quy định của Chính phủ.
Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ – CP về vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.
Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên có nhu cầu cai nghiện ma túy được tiếp nhận cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện (Được hướng dẫn bởi Điều 35 đến Điều 38 Nghị định 116/2021/NĐ-CP).
Người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 23 Luật Phòng chống ma túy 2021, khi nhận được kết quả xác định là nghiện ma túy có trách nhiệm đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định tại Điều 28 của Luật này hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong trường hợp nghiện các chất dạng thuốc phiện với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
Theo quy định tại Luật Phòng chống ma túy 2021 tại Điều 32 về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
– Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
- Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Theo Điều 33 tại Luật Phòng chống ma túy 2021 thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Như vậy, người nào có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt hành chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người sử dụng ma túy sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Đồng thời người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chứa chấp, … được quy định tại chương XX Bộ luật Hình sự hiện hành thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội phạm mà pháp luật có quy định.
2. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Tuy việc sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm nhưng tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự khi có đủ các yếu tố sau:
- Chủ thể: Người phạm tội bị truy cứu tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy khi đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi là từ đủ 16 tuổi trở lên.
- Hành vi khách quan: Theo quy định tại Điều 6.1 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau đây:
- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
- Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
- Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:
- Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người nào thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà còn thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội khác về ma túy quy định tại các điều luật tương ứng của BLHS, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 của BLHS, tùy từng trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác đã thực hiện quy định tại điều luật tương ứng của BLHS.
Khi xác định hành vi khách quan cần làm rõ:
- Hành vi “Chỉ huy, phân công, điều hành” việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: Hành vi này thường bị nhầm lẫn với phạm tội có tổ chức. Điều tra viên cần xác định rõ việc chỉ huy, phân công, điều hành diễn ra như thế nào và nó khác gì với phạm tội có tổ chức, cần xác định rõ ai giúp sức, ai chủ mưu và ai là người thụ hưởng;
- Hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể “người khác”: chất ma túy có thể được dùng trong các trường hợp nghiên cứu, phân tích khoa học, kiểm nghiệm hoặc để chữa bệnh, ngoài những trường hợp trên thì việc sử dụng ma túy đều là trái phép. Đôi lúc người chỉ huy phân công, điều hành cũng có thể là người sử dụng trái phép chất ma túy.
– Yếu tố lỗi: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp.
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định cụ thể tại Điều 255 Bộ luật Hình sự, có các khung hình phạt như sau:
Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
d) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.