Hình phạt buôn thuốc lá lậu
Mục lục
Thuốc lá là sản phẩm thuộc nhóm hạn chế kinh doanh, việc sản xuất, kinh doanh thuốc lá được nhà nước quản lý rất nghiêm ngặt. Vì vậy để có được lợi nhuận lớn, các đối tượng đã nhập lậu thuốc lá từ các nước lân cận về nước tiêu thụ. Hành vi này có thể bị xét tội buôn lậu thuốc lá. Cùng chúng tôi tìm hiểu buôn thuốc lá lậu trong bài viết dưới đây.
1. Buôn thuốc lá lậu ngày càng phổ biến
Buôn lậu thuốc lá là hành vi buôn bán thuốc lá trái phép qua biên giới hoặc từ các khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại. Hành vi buôn bán này không thực hiện việc đóng thuế và không kê khai với cơ quan hải quan.
Tại các vùng biên giới giáp ranh với các nước như Campuchia hay Lào, Trung Quốc thường diễn ra tình trạng buôn lậu thuốc lá khá nhiều. Hiện nay khá nhiều vụ án được đưa ra xét xử, số lượng tang vật bị tịch thu tiêu huỷ là khổng lồ.
Việc tiêu thụ thuốc lá lậu được sự tiếp tay của các chủ quán cafe, karaoke, hộ kinh doanh nhỏ lẻ,…. Thuốc lá nhập lậu sẽ được nguỵ trang để tránh việc cơ quan chức năng kiểm tra. Bởi thuốc lá ngoại nhập tuy giá thành cao nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn sử dụng.
Chính vì vậy là hình phạt không chỉ ở người buôn lậu, người mua hàng, mà còn tận người sử dụng thuốc lá lậu. Khi phát hiện tàng trữ 1 bao thuốc lá nhập lậu thì người bị phát hiện có thể nộp phạt lên đến 3 triệu đồng theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
2. Hình phạt tội buôn thuốc lá lậu
2.1. Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì tùy thuộc vào số lượng bao thuốc lá điếu nhập lậu vận chuyển trái phép mà người vận chuyển có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng cho đến tối đa 100.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 100 bao đến dưới 300 bao;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 300 bao đến dưới 500 bao;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao đến dưới 1.000 bao;
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.000 bao đến dưới 1.200 bao;
– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao;
– Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật; Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu trong trường hợp thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.000 bao trở lên, hoặc trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu huỷ tang vật hoặc buộc nộp lại số lợi bất chính do thực hiện hành vi vi phạm mà có.
2.2. Xử lý hình sự
Hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên sẽ cấu thành “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.