Quy định xử phạt san lấp mặt bằng mới nhất 2021
Mục lục
Những năm gần đây, nhu cầu san lấp mặt bằng để phục vụ các công trình xây dựng đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng đây là một hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý và mức xử phạt san lấp mặt bằng là cực kỳ nghiêm khắc.
Thế nào là hành vi san lấp mặt bằng?
San lấp mặt bằng là một trong các dạng của hành vi làm biến dạng địa hình. Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì hành vi làm biến dạng địa hình là các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề. Đây cũng đồng thời là một trong những hành vi hủy hoại đất trái với pháp luật.
Việc hủy hoại đất là hành vi bị cấm trong quá trình sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013. Cụ thể là trường hợp tự ý san lấp đất ruộng dẫn tới bề mặt ruộng cao hơn hoặc thấp hơn các thửa đất liền kề được xác định là hành vi hủy hoại đất.
Thế nào là hành vi san lấp mặt bằng?
Mức xử phạt san lấp mặt bằng đất
Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và tính chất của hành vi vi phạm mà sẽ có mức xử phạt san lấp mặt bằng tương ứng. Cụ thể là
Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì việc san lấp mặt bằng hủy hoại đất sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt san lấp mặt bằng thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn bị Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.
Xử lý hình sự
Trong một số trường hợp nghiêm trọng thì việc san lấp mặt bằng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó
– Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.