Cục cảnh sát giao thông có gọi điện thông báo nộp phạt không?
Mục lục
Cục cảnh sát giao thông có gọi điện thông báo nộp phạt hay không? Hiện nay, có rất nhiều trường hợp đã nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ nhân danh Cơ quan chức năng giao thông để thực hiện việc yêu cầu nộp phạt. Đây là một chiêu trò hết sức phải cảnh giác. Trên các báo đài cũng như trang thông tin chính thức của công an nhân dân cũng đã từng đề cập đến vấn đề này. Vậy thực tế sự việc này như thế nào?
Cục cảnh sát giao thông có gọi điện thông báo nộp phạt không?
Cục cảnh sát giao thông là Cơ quan trực thuộc Bộ công an, có chức năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm luật giao thông. Do đó, mọi hoạt động của Cục sẽ làm việc theo quy định của pháp luật. Như vậy, mọi trường hợp nộp phạt sau đó, hay nói cách khác là phạt nguội bằng cách gọi điện thông báo đều không phải do Cơ quan giao thông tiến hành.
Căn cứ theo Điều 14 Thông tư 06/2017/TT – BGTVT, tất cả các trường hợp vi phạm giao thông bị phát hiện thông qua các thiết bị kỹ thuật đều được cảnh sát giao thông xử lý qua hai hình thức:
- Gửi thông báo bằng văn bản đến chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện về hành vi vi phạm, đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý.
- Nhận giấy mời tới trụ sở Công an cấp xã để tiếp nhận thông báo của Cảnh sát giao thông.
Đối với hình thức thứ nhất, sau khi bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ nhận được thông báo bằng văn bản. Trong đó ghi rõ về thông tin của phương tiện và thời gian yêu cầu nộp phạt của người điều khiển. Ở hình thức thứ hai, chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện sẽ nhận được giấy mời đến trụ sở Công an cấp xã để giải quyết. Theo đó, họ sẽ nhận được thông báo của Cảnh sát giao thông về hành vi vi phạm của mình.
Quy trình phạt nguội vi phạm giao thông
Để hạn chế tình trạng mạo danh Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2017/TT – BGTVT. Trong đó nêu rõ quy trình phạt nguội cũng như các bước xử lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông. Cụ thể như sau:
- Bước 1: Phát hiện vi phạm. Cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như camera an ninh ghi hình, máy đo tốc độ.
- Bước 2: Hình ảnh vi phạm được chuyển đến bộ phận trích xuất. Việc giao, nhận hình ảnh vi phạm kèm giấy xác nhận phải được ghi chép vào sổ theo dõi, ký nhận và lưu trong hồ sơ.
- Bước 3: Cảnh sát giao thông thông báo hành vi vi phạm.
- Bước 4: Lập biên bản vi phạm hành chính.
Như vậy, căn cứ vào các quy trình trên theo Điều 14 Thông tư 06/2017/TT – BGTVT thì sẽ không có hành vi gọi điện thông báo yêu cầu nộp phạt qua điện thoại và chuyển tiền đến số tài khoản. Do đó, người dân cần phải cảnh giác trước hành vi lừa đảo này và nên chú ý đến thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân,… để tránh bị lợi dụng.
Hành vi gọi điện lừa đảo nộp phạt bị xử lý như thế nào?
Gọi điện lừa đảo nộp phạt là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, tùy vào mức độ, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính: Việc xử phạt sẽ căn cứ dựa trên Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ – CP. Theo đó, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền tối thiểu từ 2.000.000 đồng và tối đa là 5.000.000 đồng.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi gọi điện nộp phạt giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Do đó, nếu phát hiện hành vi vi phạm, các cá nhân, tổ chức có thể thông báo đến Cơ quan chức năng. Điều này nhằm giảm thiểu tình trạng lừa đảo, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ.