Các lỗi xử phạt giao thông thường gặp và mức phạt đối với người đi xe máy
Mục lục
Các lỗi và mức xử phạt giao thông được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tùy theo hành vi vi phạm mà mức phạt và hình thức xử phạt sẽ khác nhau.
Các hình thức xử phạt vi phạm giao thông
Căn cứ Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính và đối chiếu với quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bao gồm:
– Cảnh cáo.
– Phạt tiền.
– Tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn/đình chỉ hoạt động có thời hạn.
– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trong đó, đối với hành vi vi phạm giao thông, phạt cảnh cáo và phạt tiền là hình thức xử phạt chính, các hình thức còn lại là hình thức xử phạt bổ sung.
Lưu ý: Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính nhưng có thể bị áp dụng một/nhiều hình thức xử phạt bổ sung.
Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Các lỗi xử phạt giao thông thường gặp và mức phạt đối với người đi xe máy
Mức phạt vi phạm giao thông được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đối với người đi xe máy, cần biết mức phạt các lỗi thường gặp sau:
Không đội mũ bảo hiểm
- Lỗi Điều khiển xe máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”: Phạt tiền từ 200.000 –300.000 đồng.
- Chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mà cài quai không đúng quy cách: Phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng.
Không có giấy tờ
- Điều khiển xe dưới 175cm3 (175 phân khối) không có Giấy phép lái xe (GPLX), sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa: Phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng. Đồng thời tịch thu GPLX không hợp lệ.
- Điều khiển xe từ 175cm3 trở lên không có GPLX, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng. Đồng thời tịch thu GPLX không hợp lệ.
- Không mang theo GPLX: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Không mang theo Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng
- Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng.
- Sử dụng Giấy đăng ký xe bị tẩy xóa; Không đúng số khung, số máy hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp: Phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng. Đồng thời tịch thu giấy đăng ký không hợp lệ.
- Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới: Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Chở quá số người quy định
- Người điều khiển xe máy chỉ được chở theo 01 người trên xe. Nếu chở theo 02 người trên xe sẽ bị phạt từ 200.000 đồng – 300.000 đồng; nếu chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi hoặc áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật thì không bị xử phạt.
- Chở theo 3 người trở lên trên xe: Phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.
- Điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi
- Điều khiển xe máy khi chưa đủ 16 tuổi: Phạt cảnh cáo.
- Từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô từ 50cm3 trở lên: Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng
Điều khiển xe máy chạy quá tốc độ
- Nếu chạy xe quá tốc độ quy định từ 5 – 10km/h: Phạt từ 200.000 – 300.000 đồng.
- Nếu quá tốc độ quy định từ 10 – 20km/h: Phạt tiền từ 600.000 – 1.000.000 đồng.
- Nếu quá tốc độ quy định trên 20km/h: Phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
- Nếu chạy xe quá tốc độ gây tai nạn giao thông: Phạt tiền từ 4.000.000 – 5.000.000 đồng.
- Điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép: Phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng.
Điều khiển xe có nồng độ cồn
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng, giữ GPLX 1 tháng.
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng, giữ GPLX 2 tháng.
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng.
- Người không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ: Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng.