Hành vi phạm tội là gì? Dấu hiệu cấu thành của hành vi phạm tội
Mục lục
Hành vi phạm tội và các dấu hiệu cấu thành hành vi phạm tội là nội dung quan trọng trong pháp luật hình sự. Căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi mà cơ quan chức năng có thể căn cứ để xét cấu thành tội phạm theo quy định bộ luật hình sự hoặc các cách thức xử lý khác như xử phạt hành chính, dân sự.
Hành vi phạm tội là gì?
Hành vi phạm tội là hành vi thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động, thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
Xét về tính chất, hành vi phạm tội gây thiệt hại cho xã hội, có lỗi và được quy định trong Luật hình sự. Xét về cấu trúc, hành vi phạm tội đòi hỏi có những dấu hiệu sau:
- Về mặt khách quan, chủ thể phải có hành động hoặc không hành động thỏa mãn các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm (hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả, đối tượng tác động…),
- Về mặt chủ quan, chủ thể phải có lỗi, cố ý hoặc vô ý tuỳ từng cấu thành tội phạm cũng như chủ thể phải có động cơ, mục đích nhất định nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi.
Các dấu hiệu cấu thành của hành vi phạm tội
Cụ thể, các dấu hiệu cấu thành hành vi phạm tội bao gồm:
Chủ thể của hành vi
Chủ thể phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng như phải thoả mãn các dấu hiệu đặc biệt khác (dấu hiệu chủ thể đặc biệt) nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi;
Mặt khách quan
Chủ thể phải có hành động hoặc không hành động thỏa mãn các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm (hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả, đối tượng tác động…),
Mặt chủ quan
Chủ thể phải có lỗi, cố ý hoặc vô ý tuỳ từng cấu thành tội phạm cũng như chủ thể phải có động cơ, mục đích nhất định nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi.
Cần phân biệt hành vi phạm tội với hành vi khách quan. Hành vi phạm tội là thể thống nhất giữa hành vi khách quan với các dấu hiệu khách quan và chủ quan khác mà cấu thành tội phạm đòi hỏi. Trong đó, hành vi khách quan được hiểu là “biểu hiện” ra bên ngoài của con người được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển nhằm đạt mục đích nhất định.
Thực hiện hành vi phạm tội là gì?
Hành vi phạm tội phải được thực hiện từ chủ thể đủ năng lực trách nhiệm hình sự là cá nhân hay pháp nhân thực hiện các hành vi có tính chất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Hành vi cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội được quy định tại Điều 10 Bộ Luật Hình sự năm 2015: Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
(i) Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
(ii) Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.”
Hành vi vô ý phạm tội
Theo quy định tại Điều 11 Bộ Luật Hình sự năm 2015, hành vi vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp dưới đây:
(i) Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
(ii) Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”
Có phải mọi hành vi phạm tội đều trái pháp luật?
Tất cả hành vi phạm tội đều trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến cá nhân, cơ quan, tổ chức, gây rối loạn trật tự xã hội. Tùy thuộc vào tính nguy hiểm cho xã hội mà cơ quan chức năng có thể căn cứ để xét cấu thành tội phạm theo quy định bộ luật hình sự hoặc các cách thức xử lý khác như xử phạt hành chính, dân sự.
Tuy nhiên các hành vi phạm tội có thể trái với quy định pháp luật nhưng không phải tất cả các hành vi trái quy định pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý như các trường hợp:
– Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội, thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không có năng lực hành vi dân sự như người bị mắc bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi.
– Người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý là người dưới 14 tuổi theo quy định Bộ luật hình sự.
– Các trường hợp được miễn trách nhiệm pháp lý, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm.
– Thực hiện hành vi phạm pháp luật do phòng vệ chính đáng.
– Thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thì thế cấp thiết.
– Thực hiện hành vi gây thiệt hại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước.
– Thực hiện các hành vi vi phạm do hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ xảy ra rủi ro.