Hành vi ăn cắp vặt có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không?
Mục lục
Kính gửi văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề sau mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Hiện nay ở khu phố của tôi xảy ra tình trạng ăn cắp vặt khá thường xuyên vào ban ngày. Hành động của bọn này khá lộ liễu và gây nguy hiểm cho những người xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ em ở trong khu phố. Vì vậy, tôi muốn gửi câu hỏi đếm Phan Law Vietnam để được giải đáp thắc mắc về việc xử lý tội ăn cắp vặt như thế nào? Hành vi ăn cắp vặt có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không? Rất mong nhận được phản hồi từ các luật sư tư vấn.
Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Hành vi ăn cắp vặt được hiểu như thế nào theo quy định của pháp luật?
Hành vi ăn cắp vặt hay còn gọi là hành vi trộm cắp là hành vi chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân khác, có tính chất lén lút. Hành vi này được thực hiện để chiếm đoạt tài sản của chủ thể khác, người đó có ý thức muốn che giấu hành vi đang thực hiện của bản thân. Hành vi lén lút không nhất thiết chỉ có hành vi rình mò, rón rén, chui lủi,… để tiếp cận tài sản và thực hiện hành vi chiếm đoạt nhưng không ai thấy, không ai phát hiện mà có thể diễn ra một cách công khai trước nhiều người nhưng họ không hề hay biết.
Ăn cắp vặt có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi trộm cắp tài sản bị xử lý hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành vi trộm cắp tài sản.
- Người nước ngoài có hành vi trộm cắp tài sản có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Việt Nam.
Ngoài quy định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, hành vi trộm cắp tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Xét về mặt chủ thể, chủ thể có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên.
Xét về mặt khách thể, hành vi phạm tội xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp. Nếu sau khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt và hành vi chống trả lại để tẩu thoát mà gây chết hoặc làm bị thương người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh khác.
Xét về mặt chủ quan, hành vi được thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt được tài sản.
Xét về mặt khách quan, hành vi ăn cắp vặt là hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của chủ thể khác; lợi dụng những lúc sơ hở, những lúc mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà chủ sở hữu, người quản lý tài sản không biết để trộm cắp. Tài sản bị trộm cắp phải là phải đang nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu, người quản lý tài sản. Tài sản vô chủ hoặc đang không có ai quản lý thì không phải là đối tượng của tội trộm cắp tài sản.