Luật bạo lực gia đình quy định thế nào?
Mục lục
Bạo lực gia đình vừa là hành vi vi phạm đạo đức, nghĩa vụ và trách nhiệm trong hôn nhân, vừa là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền được bảo hộ về sức khỏe, tính mạng của con người. Thực trạng bạo lực này thường xảy ra ở đại bộ phận những người dân còn chịu nhiều hủ tục phong kiến, chưa hiểu biết về các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Vậy pháp luật bạo lực gia đình quy định thế nào về vấn đề này?
Pháp luật bạo lực gia đình quy định thế nào về vấn đề này?
Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, hành vi bạo lực vẫn được coi là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Chứng kiến cảnh chồng đánh vợ, cha mẹ bạo hành con cái,… đã trở thành nỗi đau trong một quốc gia. Vì thế, để ngăn chặn tình trạng này diễn ra ngày càng trầm trọng, pháp luật đã đưa ra những quy định cụ thể về việc nghiêm cấm bạo lực gia đình như sau:
Các hành vi bạo lực gia đình là gì?
Căn cứ theo Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, các hành vi bạo lực gia đình sẽ bao gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.
- Lăng mạ hoặc có hành vi cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
- Cưỡng ép quan hệ tình dục.
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Người có hành vi bạo lực gia đình, pháp luật bạo lực gia đình quy định thế nào?
Người có hành vi bạo lực gia đình dù trong thời điểm thực hiện do vô ý hay cố ý đều phải có nghĩa vụ khắc phục hậu quả, chịu trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể:
- Tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng, chấm dứt ngay hành vi bạo lực.
- Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị, chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.
Khi bị bạo lực gia đình, nạn nhân sẽ có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Khi trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân sẽ có các quyền cũng như nghĩa vụ căn cứ tại Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
“Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình
1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.”
Thực trạng bạo hành gia đình sau khi luật được ban hành
Từ khi ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, thực trạng bạo lực hiện nay vẫn chưa có xu thế giảm. Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình, chỉ riêng đối với phụ nữ Việt nam do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ từng kết hôn đã phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức bạo lực. Đồng thời, với kết quả Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2014 (MICS5) thì có đến khoảng hai phần ba trẻ em từ 1 – 14 tuổi đã từng bị bạo lực gia đình.
Tại kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV, trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, cả nước có khoảng 8.442 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có rất nhiều trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục, bị mua bán, bắt cóc bằng nhiều hình thức khác.
Như vậy, có thể thấy, từ khi Luật phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành cho đến nay, quá trình thực hiện để xử lý các vụ bạo lực gia đình chỉ tập trung vào hòa giải và phạt hành chính. Do đó, tính răn đe không cao nên hành vi bạo hành tiếp tục xảy ra, thậm chí mức độ còn nguy hiểm hơn trước. Vì thế, Nhà nước cần phải đề ra phương án để giải quyết những điểm còn hạn chế như đã nêu để góp phần đem đến hạnh phúc cho gia đình.