Luật tố tụng hành chính hiện hành
Mục lục
Luật tố tụng hành chính hiện hành là tập hợp nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, trình tự thủ tục giải quyết vụ án hành chính, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân tổ chức liên quan đến việc xét xử vụ án hành chính. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu những nội dung chính của Luật tố tụng hành chính.
1. Tố tụng hành chính là gì?
Tố tụng hành chính là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tổng hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng với Tòa án trong giải quyết vụ án hành chính nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng.
Luật tố tụng hành chính điều chỉnh các mối quan hệ pháp sinh giữa Tòa án, Viện kiểm sát, các cá nhân, tổ chức trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ án hành chính để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan tổ chức này.
Luật tố tụng hành chính điều chỉnh các mối quan hệ trên bằng phương pháp quyền uy và phương pháp bình đẳng. Phương pháp quyền uy thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa Tòa án, Viện kiểm sát với các cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng. Phương pháp bình đẳng thể hiện trong mối quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ tố tụng, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Nội dung cơ bản của Luật tố tụng hành chính hiện hành
Luật tố tụng hành chính hiện hành mang những nội dung chính sau:
Thẩm quyền của tòa án: Quy định về những khiếu kiện nào thuộc thẩm quyền của Tòa án, cách xác định tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết vụ án cũng như trách nhiệm chuyển giao vụ án cho tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Cơ quan, người tiến hành tố tụng và thay đổi người tiến hành tố tụng: Liệt kê những cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng như quyền và trách nhiệm của họ. Đồng thời quy định về trường hợp cần phải thay đổi hoặc từ chối người tiến hành tố tụng.
Người tham gia tố tụng: Liệt kê chủ thể được xem là người tham gia tố tụng. Bên cạnh đó cũng có thể liệt kê ra quyền và nghĩa vụ của từng người tham gia tố tụng.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời: Nêu rõ mục đích của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và những chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng. Đồng thời, liệt kê ra các biện pháp cụ thể cũng như việc thay đổi, hủy bỏ,….
Chứng minh và chứng cứ: Quy định rõ chủ thể có nghĩa vụ chứng minh và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Nêu rõ nguồn chứng cứ và xác định chứng cứ ra sao,…
Khởi kiện và thụ lý vụ án: Bao gồm gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Quy định về quyền khởi kiện và thời hiệu khởi kiện;
- Quy định về nội dung khởi kiện cần phải có những nội dung gì;
- Quy định về thủ tục khởi kiện hành chính.
Thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử: Bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
- Quy định về thời hạn xét xử;
- Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của thẩm phán trong giai đoạn này (lập hồ sơ vụ án, yêu cầu cung cấp chứng cứ,…);
- Nguyên tắc khi đối thoại, những trường hợp không cần đối thoại;
- Lập phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, đưa ra kết quả;
- Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.
Phiên tòa sơ thẩm: Bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
- Quy định về những yêu cầu chung của phiên tòa sơ thẩm như thời hạn, địa điểm, hình thức mở phiên tòa,…
- Thủ tục bắt đầu phiên tòa như khai mạc phiên tòa, hỏi đương sự có muốn thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu,…
- Tranh tụng tại tòa án theo thứ tự, nguyên tắc hỏi trong phiên tòa; xem xét chứng cứ; nghị án; tuyên án,…
Thủ tục phúc thẩm: Bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
- Quy định chung về thủ tục phúc thẩm. Người có quyền kháng cáo, kháng nghị; thời hạn kháng cáo, kháng nghị là bao lâu?…
- Thủ tục bắt đầu phúc thẩm theo quy định về trình tự thủ tục diễn ra phiên tòa phúc thẩm;
- Tranh tụng tại phiên tòa theo quy định về phần trình bày, tranh luận tại phiên tòa, đưa ra quyết định, bản án.
Thủ tục giám đốc thẩm: Bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
- Bản chất của thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hành chính;
- Điều kiện để có thể kháng nghị; chủ thể có thẩm quyền kháng nghị, thời hạn kháng nghị;
- Thủ tục giải quyết vụ án theo giám đốc thẩm.