Nuôi, nhốt, vận chuyển động vật hoang dã có thể bị xử lý hình sự
Câu hỏi: Tôi nuôi động vật hoang dã ở nhà làm cảnh, có bị luật cấm không? Nếu tôi đem cho người khác, thì tôi có bị xử lý gì không?
Trả lời:
1. Điều kiện cho phép nuôi, nhốt động vật hoang dã:
Người dân cần biết động vật hoang dã, theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), là những loài động vật, thực vật sinh sống, phát triển trong sinh cảnh tự nhiên, nhân tạo hoặc loài động vật, thực vật được nuôi, trồng trong môi trường có kiểm soát nhưng không phải là vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Động vật hoang dã sẽ bao gồm:
- Loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
- Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
- Loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp)
- Loài động vật rừng thông thường;
- Loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, trừ một số loài thuộc Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan công bố.
Xem thêm: Vận chuyển hàng cấm bị xử phạt như thế nào?
Theo đó, cá nhân, tổ chức nuôi, nhốt loài động vật rừng thông thường, căn cứ Điều 11 Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), phải đảm bảo các điều kiện:
- Đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Đảm bảo an toàn cho con người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y;
- Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định và trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cá nhân, tổ chức nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, không nhằm mục đích thương mại, thì căn cứ Điều 14 Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP), phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có phương án nuôi, nhốt theo quy định pháp luật.
- Cơ sở nuôi, nhốt phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài được nuôi, trồng; đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, trồng, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
- Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi, trồng hợp pháp khác.
- Trong quá trình nuôi, nhốt phải lập sổ theo dõi; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh.
Như vậy, người dân cần xác định động vật hoang dã thuộc nhóm loài nào và phải đảm bảo các điều kiện như trên, đặc biệt là các điều kiện về cơ sở nuôi, nhốt, thì mới được phép nuôi, nhốt.
2. Bị xử lý hình sự nếu nuôi, nhốt, vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm:
Theo điểm Điều 234 và Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cá nhân có hành vi nuôi, nhốt trái phép động vật hoang dã, tuỳ mức độ, có thể bị xử lý hình sự như sau:
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp nuôi, nhốt động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II CITES.
- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với trường hợp nuôi, nhốt trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I CITES; ngoài ra, tùy theo số lượng động vật mà người vi phạm có thể bị tăng nặng trách nhiệm hình sự, đến mức phạt tù nặng nhất là 15 năm.
Tác giả: Kim Ngân