Khi nào thì được xem là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp?
Mục lục
Kính gửi văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Thường xuyên theo dõi các bản tin thời sự, các quy định và tin tức pháp luật hình sự. Thấy trong một số vụ án có tính chất nguy hiểm thường đề cập tới yếu tố phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Do đó, tôi muốn gửi câu hỏi đến Phan Law Vietnam để được giải đáp thắc mắc và tư vấn khi nào thì được xem là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Rất mong nhận được phản hồi từ Quý công ty.
Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp được hiểu sao cho đúng?
Để được xem là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì cần thỏa mãn những điều kiện dưới đây:
- Về yếu tố lỗi: Được thực hiện với lỗi cố ý phạm tội.
- Về tần suất thực hiện hành vi phạm tội: Phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm.
- Yếu tố bị truy cứu về trách nhiệm hình sự về những lần phạm tội trước: Không phân biệt đã bị truy cứu về trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu về trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu về trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích. Nghĩa là người phạm tội đã bị truy cứu về trách nhiệm hình sự lần nào chưa? Là yếu tố không bắt buộc.
- Động cơ, mục đích: Động cơ, mục đích là điều kiện bắt buộc trong tình tiết này. Người phạm tội phải lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc thực hiện hành vi phạm tội làm nguồn sống chính.
Văn bản nào hướng dẫn quy định phạm tội có tính chất chuyên nghiệp?
Theo quy định tại Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần khi thuộc một trong các trường hợp:
- Hết thời hạn có hiệu lực được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
- Được sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan đã ban hành văn bản đó.
- Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
- Văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời sẽ hết hiệu lực.
So sánh 04 trường hợp hết hiệu lực của một văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP quy định về phạm tội có tính chất chuyên nghiệp cho thấy:
- Không quy định về thời điểm chấm dứt hiệu lực.
- Chưa có văn bản nào của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
- Chưa bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
- Nghị quyết này không quy định chi tiết mà chỉ hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự 1999.
Như vậy, khi Bộ luật hình sự 1999 hết hiệu lực và bị thay thế bởi Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP vẫn còn hiệu lực thi hành, vẫn áp dụng quy định của Nghị quyết này để giải quyết vụ án.