Phạm tội có tổ chức là gì? Ví dụ phạm tội có tổ chức
Mục lục
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự hiện hành.
Phạm tội có tổ chức là gì?
Khái niệm về phạm tội có tổ chức được quy định tại khoản 2, Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.
Khái niệm này có liên quan chặt chẽ với khái niệm đồng phạm tại khoản 1 Điều 17 “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Như vậy, khi một hành vi bị pháp luật hình sự truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm thì sẽ bị xem xét giữa các đồng phạm này có phạm tội có sự phân công công việc, cấu kết chặt chẽ với nhau hay không.
Cũng theo quy định của luật hình sự thì người đồng phạm được phân thành 4 dạng:
+ Người tổ chức: Đồng phạm trong vai trò là người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, đưa ra kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội;
+ Người thực hành: Đồng phạm trong vai trò là người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội;
+ Người xúi giục: Đồng phạm trong vai trò là người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tiến hành thực hiện hành vi phạm tội mà không có hành vi xúi giục này chưa chắc hoặc có thể hành vi phạm tội chưa xảy ra luôn và ngay hoặc không diễn ra sớm hơn.
+ Người giúp sức: Đồng phạm trong vai trò người giúp sức là việc tạo các điều kiện tinh thần hoặc điều kiện vật chất cho những người khác thực hiện hành vi phạm tội.
Đặc điểm của phạm tội có tổ chức
Sự kết cấu chặt chẽ của các đồng phạm vừa là đặc điểm bên ngoài, vừa thể hiện mức độ liên kết, vừa thể hiện mức độ phân hóa vai trò, nhiệm vụ rõ ràng về mặt khách quan của các đối tượng này.
Trong đồng phạm, giữa những người phạm tội vừa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, vừa có sự phân công nhiệm vụ tương đối rõ rệt. Đồng phạm thường có các đặc điểm sau:
– Là nhóm được hình thành với phương hướng hoạt động có tính lâu dài, bền vững;
– Trong nhóm có cấp trên – cấp dưới;
– Mỗi người đều chịu sự điều khiển chung thống nhất, đều coi cũng như sử dụng cấu tạo phạm tội như là công cụ sức mạnh trong hoạt động tội phạm của mình;
– Có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ về mọi mặt cho việc thực hiện và che giấu tội phạm với phương pháp, thủ đoạn thường tinh vi, xảo quyệt…
– Nhóm đồng phạm thường phạm tội liên tục, nhiều lần, dẫn đến các hậu quả lớn, gây nguy hiểm cho xã hội.
Phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tình tiết này không những được quy định chung tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà còn được quy định là triệu chứng định khung hình phạt tăng nặng của nhiều tội phạm.
Ví dụ về tội phạm hoạt động có tổ chức
Đường dây sản xuất, tàng trữ, mua bán ma túy do Văn Kính Dương cầm đầu cùng các đồng phạm, trong đó có hot girl Ngọc Miu là ví dụ điển hình của phạm tội có tổ chức. Theo kết quả điều tra, Văn Kính Dương câu kết với Nguyễn Đức Kỳ Nam và các đồng phạm khác lập thành đường dây sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép hơn 200 kg ma túy.
Đường dây này hoạt động bằng cách đặt xưởng, chia tách công đoạn sản xuất ma túy tại nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, TP.Nha Trang, rồi đem đi tiêu thụ tại TP.HCM và Hải Phòng.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Văn Kính Dương án tử hình về tội “sản xuất trái phép chất ma túy”, chung thân về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, 8 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 1 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, 3 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam, giữ”; tổng hợp hình phạt là tử hình.
Cùng bị tuyên mức án tử hình còn có 4 bị cáo: Nguyễn Đức Kỳ Nam, Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân, Lê Hương Giang.
Đồng thời, HĐXX tuyên 4 mức án chung thân đối với 4 bị cáo: Nguyễn Bá Thành, Nguyễn Thu Huyền, Phạm Thu Huyền, Nguyễn Đắc Huy.
Riêng bị cáo Vũ Hoàng Anh Ngọc (Ngọc Miu) bị tuyên phạt 16 năm tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”.