Phân biệt chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính
C
Nếu như tại Bộ luật Dân sự 2005, quyền xác định lại giới tính đã được công nhận và được hướng dẫn cụ thể bằng Nghị định 88/2008/NĐ-CP thì vấn đề chuyển đổi giới tính lại bị nghiêm cấm và cũng không có bất kỳ quy định nào đề cập đến quyền, nghĩa vụ của những người đã chuyển đổi giới tính sẽ được giải quyết như thế nào. Bộ luật Dân sự 2015 ra đời đã giúp phân biệt rõ hơn về hai trường hợp này và góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề pháp lý liên quan (quy định tại Điều 36 và 37 Bộ luật Dân sự 2015).
Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép cá nhân được quyền xác định lại giới tính của mình. Theo đó, việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
Như vậy, đối với người xác định lại giới tính, bản thân những người này có những bất thường ở bộ phận sinh dục ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật; hoặc là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính. Vì vậy, pháp luật công nhận và bảo đảm cho mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình bằng việc cho phép họ thực hiện xác định lại giới tính.
Trong khi đó, tại Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 đã cho phép việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định pháp luật. Người chuyển đổi giới tính là người đã hoàn thiện về giới tính, không có bất kỳ khuyết tật bẩm sinh hoặc thuộc trường hợp chưa được định hình chính xác về giới tính. Tuy nhiên, đối với những này, họ lại mang giới tính xã hội khác với giới tính sinh học, tức là mong muốn được sống, được nhìn nhận mình với giới tính khác.
Có lẽ vì vậy mà pháp luật trước đây nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính của những người đã hoàn thiện về giới tính để ngăn chặn những hành vi nhằm mục đích phục vụ cho các quan niệm tâm sinh lý lệch lạc, trốn tránh các nghĩa vụ pháp lý… Tuy nhiên, khi nhìn nhận ở góc độ quyền con người, thực tế thì việc công nhận chuyển đổi giới tính là hết sức nhân văn, cần thiết.
Như vậy, xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính có sự khác biệt nhau về bản chất, mục đích và cơ sở pháp lý áp dụng. Sau khi đã xác định lại giới tính/chuyển đối giới tính, cá nhân đó có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại/chuyển đổi theo quy định pháp luật.
Tuy vẫn còn phải chờ văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện nhưng những quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự 2015 đã giúp làm rõ hai trường hợp khác biệt và tạo cơ sở để người được xác định lại giới tính và người được chuyển đổi giới tính đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình.