Phân tích tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Bình đẳng giới được hiểu là sự bình đẳng về mặt luật pháp cũng như bình đẳng trong vị thế xã hội giữa nam và nữ, trong đó gồm cả cộng đồng người đồng tính luyến ái và người chuyển giới. Họ đều được đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội về quyền. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới con người được phân tích trong các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, hôn nhân, gia đình, việc làm, chính sách phúc lợi,…
Theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm quyền bình đẳng giới như sau:
“1. Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Thứ nhất, các yếu tố cấu thành tội
Mặt khách quan
Người phạm tội thực hiện là hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội. Để cản trở người khác tham gia các hoạt động trên, người phạm tội thực hiện nhiều thủ đoạn khác nhau tuỳ thuộc vào mục đích, động cơ của người phạm tội như dùng vũ lực (đánh, trói, nhốt… ) hoặc đe dọa dùng vũ lực, đe dọa sẽ gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần của người khác.
Ví dụ: Dọa sẽ ly hôn, dọa công bố bí mật đời tư, dọa đuổi việc, dọa cắt tiền thưởng, tiền lương…
* Lưu ý: Tất cả những hành vi này phải xuất phát từ lý do vì giới tính của nạn nhân.
Khách thể: Xâm phạm quyền bình đẳng giới.
Mặt chủ quan: Hành vi phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý.
Chủ thể: Bất cứ người nào có năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, về hình phạt
Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:
– Trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan và đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
– Mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên
– Hình phạt bổ sung: Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể xâm phạm bình đẳng giới mà người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.