Phạt nguội khi vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền
Mục lục
Vượt đèn đỏ là một vi phạm khi tham gia giao thông không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Hiện nay có nhiều phương tiện giao thông bị phạt nguội vì lỗi vượt đèn đỏ. Bên cạnh những hành vi cố ý vi phạm, còn rất nhiều trường hợp vi phạm vì chưa hiểu rõ luật. Vì vậy bài viết hôm nay chúng tôi cập nhật đến các bạn bị phạt nguội khi vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền.
1. Phạt nguội khi vượt đèn đỏ là gì?
Vượt đèn đỏ là hành vi người lái xe điều khiển phương tiện giao thông vẫn tiếp tục di chuyển khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ. Khi tham gia giao thông gặp đèn đỏ phải dừng trước vạch dừng xe. Vì vậy khi vượt đèn đỏ thì người vi phạm bị xử phạt theo quy định của pháp luật hành chính.
Xử phạt nguội hành vi vi phạm giao thông có thể hiểu đơn giản là hình thức xử lý vi phạm của phương tiện sau một khoảng thời gian nhất định nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị giám sát như camera, chứ không xử lý trực tiếp ngay tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm.
Việc xử phạt nguội không làm theo đổi bản chất của vi phạm mà chỉ liều thời gian xử phạt lại. Vì vậy việc người vi phạm vượt đèn đỏ thì vẫn bị xử phạt giống như lỗi vi phạm bị bắt trực tiếp.
Quy trình xử lý phạt nguội do vi phạm lỗi vượt đèn đỏ thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Phạt nguội khi vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền?
2.1. Mức phạt đối với xe ô tô, xe máy
Ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng.
Trường hợp gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng (Điểm a Khoản 5, Điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Xe máy, mô tô vi phạm quy định về dừng đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 đến 3 tháng (Điểm e, khoản 4 và Điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
2.2. Mức phạt đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dụng
Máy kéo, xe máy chuyên dùng khi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đồng thời tạm tước một số giấy tờ sau:
Quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo).
Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng).
Thời gian tạm tước các loại giấy tờ trên từ 1 tháng đến 3 tháng. Trường hợp gây tai nạn sẽ bị tước từ 2 đến 4 tháng (Điểm đ Khoản 5; Điểm a, b Khoản 10 Điều 7).
2.3. Với xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện, người đi bộ
Nếu vượt đèn đỏ, xe đạp, xe đạp máy và cả xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (điểm đ khoản 2 Điều 8).
Người đi bộ vượt đèn đỏ cũng sẽ bị phạt hành chính như khi điều khiển các phương tiện khác, vì hành vi này cũng gây ra nhiều mối nguy hiểm khi giao thông. Cụ thể, mức phạt cho người đi bộ vượt đèn đỏ là từ 60.000 – 100.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 9).
Pháp luật còn quy định vượt đèn vàng cũng coi như là vi phạm trong một số trường hợp.
Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ giải thích tín hiệu đèn giao màu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Nếu người điều khiển xe chưa đi quá vạch dừng xe khi đèn vàng bật sáng nhưng vẫn cố tình đi tiếp sẽ phạm lỗi vượt đèn vàng và bị xử phạt; trừ trường hợp xe vẫn chưa đi quá vạch dừng xe nhưng nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm cho mình hoặc cho phương tiện khác.
Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ và chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác.