Quyền im lặng trong tố tụng hình sự theo quy định pháp luật
Mục lục
Quyền im lặng trong tố tụng hình sự là quyền của bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra, xét xử vụ án hình sự. Điều này bắt nguồn từ vụ án nổi tiếng Miranda V. Arizona của Mỹ vào năm 1966 đã được ghi nhận trong án lệ. Tuy nhiên, ở nước ta, phải đến Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quyền im lặng mới được ghi nhận và bảo đảm. Vậy cụ thể sẽ như thế nào?
Quyền im lặng tố tụng hình sự được hiểu như thế nào?
Như đã đề cập, quyền im lặng bắt nguồn từ án lệ ở Mỹ. Theo đó, bị can, bị cáo có quyền im lặng và từ chối trả lời câu hỏi, bất kỳ điều gì được nói ra sẽ dùng để chống lại họ trước tòa. Trên thực tế, có khá nhiều nước đã ghi nhận quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự. Tiêu biểu là Đức với quy định: “Bị cáo có quyền không khai báo, không nhận tội từ khi bị tình nghi đến khi bị xét xử”.
Quyền im lặng trong tố tụng hình sự Việt Nam
Với sự hội nhập và phát triển ngày nay, việc học hỏi, tiếp thu, nội luật hóa đã trở nên phổ biến. Như vậy, quyền im lặng không chỉ được quy định ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Đức,… mà hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng đã thừa nhận và có những biện pháp bảo đảm. Cụ thể như sau:
Pháp luật quy định thế nào về quyền im lặng?
Tuy không quy định trực tiếp về quyền năng này, nhưng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã ghi nhận cụ thể tại điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Như vậy, việc bị can, bị cáo trình bày lời khai là quyền của họ, không phải nghĩa vụ bắt buộc. Do đó, họ có quyền từ chối khai báo trước cơ quan tiến hành tố tụng và yêu cầu quyền im lặng. Tất nhiên, việc này sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng. Đồng thời, cơ quan tiến hành tố tụng cũng không có quyền ép buộc họ phải khai báo bằng biện pháp trái pháp luật như ép cung, bức cung,…
Biện pháp bảo đảm quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự
Tuy nhiên, người bị buộc tội gắn liền với việc bảo đảm như quyền được mời Luật sư hoặc người bào chữa, quyền suy đoán vô tội, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng,… Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền im lặng, pháp luật Tố tụng Hình sự cũng đưa ra quy định về nguồn chứng cứ theo khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, những gì được thu thập nhưng không theo trình tự, thủ tục theo Bộ luật Tố tụng Hình sự thì sẽ không mang giá trị pháp lý. Điều này đồng nghĩa với việc không được dùng để làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự. Như vậy, nếu trong quá trình thẩm tra, nếu chứng cứ chứng minh không hợp pháp, cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền ép người bị buộc tội phải khai báo hoặc nhận tội danh của mình.
Đồng thời, tại khoản 6 Điều 183 quy định mọi cuộc hỏi cung diễn ra trong cơ sở tạm giữ hoặc tại trụ sở của cơ quan điều tra đều phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc này một phần cũng nhằm đảm bảo quyền của bị can, bị cáo trước pháp luật. Trong trường hợp có bất kỳ sự cáo buộc về việc vi phạm quyền im lặng thì chính bản thân người tiến hành thực hiện việc lấy cung sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ, chứng minh.
Hình phạt đối với người vi phạm quyền im lặng
Quyền im lặng của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự nhằm tạo cơ hội bảo vệ lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp vì muốn đẩy nhanh quá trình điều tra hoặc nhằm mục đích thủ đoạn nào đó đã tiến hành bức cung, dùng nhục hình đối với bị can, bị cáo. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, chế tài xử phạt đối với tội danh này được quy định tại Điều 374 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, người nào sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra còn có mức định khung khác từ 02 năm đến 07 năm, từ 07 năm đến 12 năm và từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân căn cứ dựa trên các trường hợp cụ thể.