Bản chất hoạt động điều tra trong Tố tụng hình sự
Mục lục
Điều tra là công tác trong tố tụng hình sự được tiến hành nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Điều tra là hoạt động tố tụng hình sự do người và cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ làm cơ sở cho việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định chung về hoạt động điều tra
Theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, hoạt động điều tra do ba cơ quan thực hiện ở các phạm vi và mức độ khác nhau. Ba cơ quan đó là Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cơ quan được giao quyển hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, cảnh sát biển sẽ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Giai đoạn điều tra vụ án hình sự bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ vụ án của Cơ quan điều tra.
Đối tượng của hoạt động điều tra gồm hành vi phạm tội, người phạm tội, thiệt hại do tội phạm gây ra và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án (Theo Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự).
Hoạt động điều tra thực hiện bằng các biện pháp điều tra khác nhau theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định như hỏi cung bị can, lấy lời khai của người tham gia tố tụng khác, đối chất, nhận dạng, khám xét, thu giữ vật chứng, tài liệu, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra và trưng cầu giám định.
Điều tra vụ án hình sự là gì ?
Điêu tra là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẳm quyền điều tra áp dụng các biện pháp do luật định để xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội, các tình tiết khác làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.
Để thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra được tiến hành các hoạt động điều tra dựa trên quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Nếu không có hoạt động điều tra, viện kiểm sát sẽ không có cợ sở để truy tố, toà án không có cơ sở để xét xử vụ án. Để viện kiểm sát có thể truy tố đúng người phạm tội, toà án nhân dân có thể xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật thì trước đó, giai đoạn điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội và/hoặc chứng cứ gỡ tội, chứng cứ xác định tình tiết tăng nặng và/hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can và chứng cứ xác định tình tiết khác của vụ án. Nếu giai đoạn điều tra không thu thập được đầy đủ chứng cứ hoặc việc thu thập chứng cứ có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì viện kiểm sát hoặc toà án sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Cơ quan có thẩm quyền điều tra có trách nhiệm điều tra bổ sung đáp ứng yêu cầu của viện kiểm sát hoặc toà án.
Nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự ?
Xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như các tình tiết khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án
Trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định có hay không có việc phạm tội, đối chiếu với Bộ Luật hình sự xem hành vi phạm tội thuộc vào điều khoản nào; phải xác định tất cả tội phạm để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Khi xác định có tội phạm xảy ra, cơ quan điều tra cần làm rõ ai là người thực hiện hành vi phạm tội; lỗi của họ trong việc thực hiện tội phạm; động cơ và mục đích phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; các đặc điểm nhân thân của bị can; nếu là vụ án đồng phạm, cần xác định rõ hành vi, vai trò của từng người để làm cơ sở cho toà án xét xử được chính xác.
Lập hồ sơ vụ án, đề nghị truy tố bị can ra toà án để xét xử hoặc ra quyết định khác để giải quyết vụ án
Để ra quyết định truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, viện kiểm sát và toà án phải dựa trên hồ sơ vụ án. Hồ sơ điều tra hình sự tập hợp hệ thống văn bản, tài liệu được thu thập hoặc lập trong quá trình khởi tố, điều tra, được sắp xếp theo trình tự nhất định, phục vụ cho công việc giải quyết vụ án và lưu trữ lâu dài. Nếu hồ sơ điều tra hình sự không đầy đủ, VKS sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định và yêu cầu hợp lí trong và sau quá trình điều tra như bổ sung, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, thay đổi điều tra viên và ra quyết định truy tố bị can.
Vì vậy, việc lập và củng cố hồ sơ điều tra hình sự là nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn điều tra. Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ sau khi có quyết định khởi tố vụ án. Khi đã có đầy đủ chứng cứ để xác định tội phạm và bị can thì cơ quan điều tra có nhiệm vụ làm bản kết luận điều tra, trình bày diễn biến hành vi phạm tội. Nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, căn cứ đề nghị truy tố.
Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố là cơ sở pháp lí để xác định tội phạm và bị can đề nghị truy tố đã được điều tra và nó có đầy đủ chứng cứ để chứng minh. Căn cứ vào bản kết luận điều tra, viện kiểm sát chỉ ra bản cáo trạng truy tố những bị can về các tội phạm đã được điều tra có đủ chứng cứ để chứng minh. Những tội phạm, bị can chưa được điều tra sẽ không bị truy tố. Trong trường hợp không có căn cứ để đề nghị truy tố thì ra các quyết định khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để giải quyết vụ án.