Trường hợp nào bị xử phạt flycam? Cần điều kiện gì để sử dụng flycam?
Mục lục
Flycam là thiết bị quay phim, chụp ảnh không còn quá xa lạ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những điều kiện để có thể sử dụng loại thiết bị này, dẫn đến nhiều trường hợp bị xử phạt flycam từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để có thể sử dụng flycam sáng tạo ra những tấm ảnh, thước phim với góc độ tuyệt vời và đảm bảo đúng quy định pháp luật, cùng tham khảo các thông tin pháp lý liên quan ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Flycam là thiết bị như thế nào?
Flycam được hiểu nôm na là “chiếc máy ảnh bay được”. Đây là một thiết bị khoa học công nghệ, với thiết kế gắn camera nhỏ vào thiết bị bay, giúp người dùng có thể ghi lại các khoảnh khắc thông qua hình ảnh, video với góc nhìn trên cao.
Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, tàu bay không người lái là: “Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.”. Như vậy, có thể thấy flycam cũng hoàn toàn phù hợp với định nghĩa này.
Sử dụng flycam có phải đăng ký hay không?
Dưới hình thức là loại tàu bay không người lái, tổ chức, cá nhân khi sử dụng flycam phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép bay với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh bị xử phạt flycam nếu sử dụng khi chưa được phép. Hồ sơ cấp phép bay được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 9, sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 79/2011/NĐ-CP bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp phép bay bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo mẫu
- Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước
- Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.
Hồ sơ đề nghị cấp này cần được gửi đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu chậm nhất trước 07 ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay.
Xử phạt flycam được quy định như thế nào?
Tổ chức, cá nhân khi muốn sử dụng flycam dù với bất kỳ mục đích gì (thương mại, giải trí…) đều cần lưu ý làm thủ tục xin cấp phép bay theo đúng trình tự quy định. Trường hợp cố tình sử dụng tàu bay không người lái như flycam khi chưa được cấp phép, mức xử phạt flycam có thể bị áp dụng tại Điều 21 Nghị định 162/2018/NĐ-CP về vi phạm hoạt động bay:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thả thiết bị, vật dụng và các vật thể khác từ tàu bay vào không trung ảnh hưởng đến hoạt động bay.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện chuyến bay không đúng với phép bay đã được cấp.
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, về mặt đảm bảo trật tự an ninh xã hội, trường hợp sử dụng thiết bị bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời” sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; kèm theo đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.