Xóa án tích trong những trường hợp đặc biệt
Nhằm khuyến khích người bị kết án đi tù, tích cực rèn luyện để trở lại với cuộc sống lương thiện và được coi là người không có án tích, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (gọi tắt là “BLHS”) đã quy định về những trường hợp xóa án tích trong trường hợp đặc biệt tại Điều 66.
Điều 66 BLHS quy định: “…Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Tòa án xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định.”
Để được xóa án tích trong trường hợp đặc biệt, tức là được rút ngắn thời hạn quy định tại Điều 64, Điều 65 BLHS, ngoài những quy định chung thì người bị kết án phải có biểu hiện:
– Có tiến bộ rõ rệt;
– Có lập công;
– Được cơ quan, tổ chức nơi hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị xoá án tích sớm hơn người bình thường.
Người đã bị kết án “có những tiến bộ rõ rệt” được thể hiện như sau:
– Hòa nhập vào cộng đồng;
– Tham gia làm ăn lương thiện;
– Chấp hành đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Còn đối với người có “lập công” thì thể hiện ở thành tích xuất sắc trong cuộc sống, trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.
Tuy nhiên, cần lưu ý, người đã bị kết án phải đáp ứng đầy đủ 2 tiêu chí trên trong khoảng thời gian một phần ba so với thời hạn thử thách đã được quy định (được tính từ khi chấp hành bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án) mới được Tòa án xem xét xóa án tích theo quy định này. (Theo Điều 66 – BLHS)
Thẩm quyền, thủ tục xem xét, quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt tương tự thẩm quyền, thủ tục xóa án tích do Tòa án quyết định tại Điều 65 BLHS. Theo đó, người xin xóa án tích phải làm đơn gửi đến Tòa án nơi đã xử sơ thẩm kèm theo các giấy tờ xác nhận họ đã đủ những điều kiện được xóa án tích, gồm:
– Giấy tờ xác thực việc đã chấp hành xong hình phạt, kể cả hình phạt bổ sung và các quyết định khác của Tòa (nếu có).
– Giấy chứng nhận của Công an cấp huyện nơi người đó thường trú về việc họ không phạm tội mới trong thời hạn luật định.
– Ngoài ra, cần phải có giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người xin xóa án tích thường trú về thái độ chấp hành chính sách pháp luật và thái độ lao động ở địa phương.
– Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt, ngoài các loại tài liệu như trên, phải có văn bản đề nghị của chính quyền, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án thường trú, công tác.
Trên cơ sở tài liệu được cung cấp, Tòa án sẽ xem xét và ra quyết định xóa án tích hoặc bác đơn(có lý do kèm theo). Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ 1 năm sau mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ 2 trở đi thì phải sau 2 năm mới được xin xóa án tích.
Với quy định trên, chúng ta có thể thấy rõ nguyên tắc nhân đạo trong BLHS Việt Nam. Và từ thời điểm được xóa án tích, họ trở thành người hoàn toàn bình thường về mặt pháp luật và không ai có thể căn cứ vào sự kiện họ từng bị kết án để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của họ.