Xử phạt an toàn thực phẩm
Mục lục
Vi phạm an toàn thực phẩm trong xã hội hiện đại vẫn là một vấn đề nhức nhói. Bởi vì nhu cầu ăn uống ngon bổ rẻ ngày càng cao, người buôn bán càng ngày càng bất chấp để có thể bán giá rẻ nhất có thể. Điều này gây nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng. Cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử phạt an toàn thực phẩm thích đáng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
1. Nguyên tắc xử phạt an toàn thực phẩm
Quy tắc về xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào Khoản 1, Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”
– Hành vi vi phạm an toàn thực phẩm: Theo quy định tại Điều 3 Nghị Định 115/2018/NĐ-CP những hành vi bị xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm như sau:
- Vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn đối với sản phẩm thực phẩm;
- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh, cung cấp thực phẩm;
- Vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu;
- Vi phạm quy định về quảng cáo hàng giả, tuyên truyền an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm phân tích thực phẩm, truy thu, xử lý thực phẩm không an toàn.
2. Biện pháp xử phạt an toàn thực phẩm
Các hình thức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như sau:
– Hình thức xử phạt hành chính đối với mỗi cá nhân, tổ chức là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 200.000.000 đồng và đối với cá nhân là 100.000.000 đồng. Cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền của tổ chức sẽ gấp đôi cá nhân.
– Những hình phạt bổ sung như sau:
- Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01-06 tháng;
- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 – 24 tháng;
- Đình chỉ hoạt động từ 01-12 tháng;
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
– Những biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng như sau:
- Buộc tái xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;
- Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm;
- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng;
- Buộc thu hồi thực phẩm vi phạm;
- Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm;
- Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm;
- Buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm;
- Buộc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
- Buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển;
- Buộc hủy bỏ kết quả kiệm nghiệm;
- Buộc nộp lại số tiền bằng tang vật, trong trường hợp tang vật không còn;
- Buộc nộp giấy tờ, tài liệu bị chỉnh sửa, tẩy xóa.
3. Thẩm quyền xử phạt an toàn thực phẩm
Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt là: Chủ tịch ủy ban nhân dân, Thanh tra, Công an, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường.
Khi áp dụng các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả thì phải có những điều kiện sau:
- Trường hợp phải đình chỉ hoạt động có thời hạn, người ra quyết định phải gửi văn bản cho cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện;
- Trường hợp áp dụng biện pháp là buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu đã bị chỉnh sửa, người ra quyết định phải gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền cấp để thu hồi giấy tờ, tài liệu.