Hình thức xử lý tội đe dọa người khác
Mục lục
Ai trong chúng ta cũng đều có quyền bất khả xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của chính bản thân mình và những người xung quanh. Vì vậy, khi một người có hành vi đe dọa người khác thì phải xử lý như thế nào? Xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa người khác? Phan Law Vietnam sẽ tổng hợp nội dung thông qua bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
2. Khái niệm về đe dọa người khác
Đe dọa người khác là khi bạn dùng lời nói hoặc hành động của mình để uy hiếp, tác động lên tinh thần người khác, ép buộc người này phải làm những việc mang lại lợi ích cho mình. Ngoài ra, hành vi này còn được thực hiện với mục đích đẩy nhanh việc người này phải thực hiện nghĩa vụ cho mình, nếu người này không thực hiện sẽ phải chịu những hậu quả nhất định.
Có 2 loại đe dọa mà chúng ta thường thấy đó là đe dọa về tinh thần và đe dọa về thể chất. Người thực hiện hành vi đe dọa sẽ đe dọa người khác bằng nhiều hình thức khác nhau. Đe dọa có thể bao gồm cả việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, đe dọa tố giác, đe dọa hủy hoại tài sản… Những hình thức đe dọa khác có thể kể đến như đe dọa trực tiếp, qua thư hoặc qua điện thoại…
3. Hình thức xử lý
3.1 Xử lý hành chính đối với tội đe doạ người khác
Bất cứ ai cũng không có quyền xâm phạm đến thân thể, danh dự hay nhân phẩm của người khác. Điều này đồng nghĩa với việc đe dọa người khác chính là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, phải phụ thuộc vào hành vi đe dọa ở mức độ nào mà người thực hiện hành vi đe dọa sẽ bị xử lý ở mức độ tương ứng.
Nếu trong trường hợp hành vi đe dọa chưa đến mức phạm tội thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 7; điểm b, khoản 2, Điều 21 và khoản 1 Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP như sau:
- Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ đến danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng;
- Đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Tuy nhiên, hành vi vi phạm hành chính và tội phạm rất dễ bị nhầm lẫn, vậy làm thế nào để chúng ta phân biệt được? Ta sẽ dựa vào mức độ của hành vi để phân biệt đâu là hành vi vi phạm hành chính và đâu là hành vi phạm tội theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015. Như đã đề cập ở trên, hành vi đe dọa người khác mà bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ dừng lại ở những hành vi có tính chất thô bạo, đụng chạm đến thân thể người khác hoặc có những lời nói bỡn cợt, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa có những dấu hiệu để cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn những hành vi đe dọa gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có tính chất của tội phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
3.2 Trách nhiệm Hình sự đối với tội đe dọa người khác
Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 thì tội phạm được hiểu là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định cụ thể trong Bộ luật này. Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có thể hiểu là những hành vi trái với quy định của pháp luật, người thực hiện có thể gây nguy hại cho người khác và cho xã hội. Tuy nhiên, thực hiện hành vi nguy hiểm chỉ mới là yếu tố đầu tiên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi này phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện.
Ngoài ra, hành vi đe dọa người khác được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi đe dọa giết người như sau:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người có hành vi đe dọa giết người, nếu có căn cứ chứng minh việc người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện;
- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đe dọa đối với 02 người trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đe dọa người khác;
- Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
- Đối với người dưới 16 tuổi;
- Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Như vậy, hành vi đe dọa giết người nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nếu có các tình tiết tăng nặng khác thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Phan Law Vietnam cung cấp những dịch vụ tố tụng gì?
Phan Law Vietnam sở hữu đội ngũ luật sư tố tụng giàu kinh nghiệm, có khả năng xử lý vấn đề một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Tại đây cung cấp cho khách hàng một số dịch vụ bao gồm:
- Hỗ trợ tư vấn pháp lý, phân tích chi tiết vụ án;
- Luật sư Tố tụng của Phan Law Vietnam sẽ đại diện cho khách hàng để tham gia tố tụng, đòi lại quyền và lợi ích cho người bị hại khi bị người khác đe dọa, giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan khác;
- Thực hiện công việc điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án nhằm chứng minh bị cáo có tội;
- Soạn thảo giấy tờ pháp lý khác.
Ngoài ra, sau khi giải quyết xong vụ án, chúng tôi có thể hỗ trợ cho khách hàng giải quyết những tình huống tương tự trong tương lai. Vì vậy, nếu có bất kỳ câu hỏi nào thì hãy liên hệ ngay với Phan Law Vietnam để được Luật sư Tố tụng của chúng tôi tư vấn chi tiết nhất.
Đe dọa người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hành chính hay chịu trách nhiệm hình sự. Đối với nạn nhân, khi bị người khác đe dọa hãy trình báo sự việc lên cơ quan công an địa phương ngay lập tức để cơ quan công an tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.