Quy định về hoà giải vụ án dân sự
Hòa giải là việc rất đáng khuyến khích để giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp trong đời sống xã hội. Có nhiều thắc mắc, không biết hòa giải vụ án dân sự trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?
Để giải đáp câu hỏi này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Sau khi thụ lý vụ án, để giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành giải thích pháp luật, giúp đỡ các đương sự giải quyết mâu thuẫn, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các vấn đề của vụ án dân sự có tranh chấp. Hoạt động này của Tòa án được gọi là hòa giải vụ án dân sự. Hòa giải vụ án dân sự là hoạt động tố tụng do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.
Cũng theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015) thì Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Phạm vi hòa giải vụ án dân sự
Hòa giải được tiến hành với việc giải quyết hầu hết các vụ án dân sự, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Thủ tục hiến hành hòa giải
Trước khi mở phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp (Điều 208 BLTTDS 2015).
Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán phố biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án (Điều 210 BLTTDS 2015).
Sau khi được thẩm phán hướng dẫn và nghe giải thích pháp luật có liên quan đến vụ án đang tranh chấp, đến lượt nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm của họ về vấn đề đang tranh chấp và đưa ra định hướng giải quyết vụ án.
Khi đương sự thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành, trong đó nêu rõ nội dung tranh chấp và những nội dụng đã được đương sự thỏa thuận. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp, chữ ký của thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp. Biên bản phải có các nội dung theo quy định tại Khoản 3 Điều 211 BLTTDS 2015.
Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.