Vấn nạn chặt phá rừng bừa bãi
Mục lục
Vấn nạn chặt phá rừng bừa bãi hiện nay đang là vấn đề nóng được đề cập rất nhiều trong các kỳ họp của Quốc hội. Câu hỏi đặt ra là pháp luật có những quy định gì để góp phần ngăn chặn việc chặt phá rừng. Nhà nước có những biện pháp gì để trừng phạt những đối tượng vi phạm để hạn chế việc phá rừng. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau bàn về vấn đề này.
1. Vấn nạn chặt phá rừng bừa bãi hiện nay
Tỷ lệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn ở nước ta hiện nay ngày càng suy giảm, tỷ lệ giảm mạnh qua từng năm. Theo như con số thống kê năm 2020 còn cho biết độ che phủ rừng chỉ còn nằm trong con số là chưa đầy 40%. Diện tích mặt hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn khoảng 10%.
Nạn chặt phá rừng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và kéo theo rất nhiều hệ lụy khác như thiên tai: Lũ quét, lũ đầu nguồn, sạt lở đất, biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng dần lên làm cho băng tan ở Bắc Cực khiến cho mực nước biến ngày một dâng lên,…
Nạn phá rừng ở Việt Nam đã diễn ra từ rất lâu, mức độ của tình trạng này ngày càng tăng cao trong cuộc sống hiện tại. Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới nạn chặt phá rừng đó là:
- Vấn nạn chặt phá rừng của những kẻ buôn lậu;
- Kinh tế phát triển dẫn đến việc xâm lấn đến rừng.
2. Những biện pháp khắc phục nạn phá rừng
2.1. Biện pháp phòng ngừa
Nhà nước cần cung cấp chi phí trồng rừng để người dân có trách nhiệm tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Nơi nào để xảy ra cháy rừng thì giảm trừ tiền hỗ trợ, khi đó người dân sẽ tự giác tham gia vào công cuộc phòng chống phá rừng.
Nâng cao nghiệp vụ của cơ quan chức năng bảo vệ rừng như kiểm lâm, cán bộ biên phòng,….
Mở rộng quỹ đất trồng rừng, không để quỹ đất ở, đất kinh tế lấn chiếm đất rừng, đặt biệt là rừng phòng hộ.
Tuyên truyền cho từng người dân biết tác hại của việc phá rừng.
Phổ biến pháp luật về tội phá rừng và các hành vi xử phạt thích đáng.
2.2. Biện pháp ngăn chặn
Kiểm lâm, bộ đội biên phòng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện chỉ đạo xử lý các vụ chặt phá rừng trên địa bàn.
Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để đưa ra những cảnh báo kịp thời đến người dân tránh những vụ cháy rừng do thời tiết.
Kịp thời phát hiện ngăn chặn các dự án, công trình lấn chiếm, cắt xẻ rừng để làm những khu du lịch sinh thái.
2.3. Biện pháp trừng phạt
Pháp luật có quy định những trường hợp phá rừng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Sau đây là các biện pháp khắc phục hậu quả có thể bị áp dụng nếu chặt phá rừng bị xử lý theo pháp luật hành chính:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
– Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
– Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
– Buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính;
– Buộc thu hồi chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã cấp;
– Buộc chi trả đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi phát sinh từ việc chậm chi trả (nếu có) tương ứng với số tiền và thời gian chậm chi trả;
– Buộc chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký kết;
– Buộc tiêu hủy lô hạt giống, lô cây giống lâm nghiệp;
– Buộc đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy ra khỏi rừng;
– Buộc lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định của pháp luật hoặc buộc lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
– Buộc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Buộc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp.
Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
– Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên;
– Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.