Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn phạt bao nhiêu tiền?
Mục lục
Tai nạn giao thông là hiện trạng phổ biến xảy ra từng ngày, từng giờ trên đất nước ta. Tuy nhiên, thay vì giúp đỡ người nạn và chịu trách nhiệm về hành vi của mình, rất nhiều người đã bỏ trốn ngay sau khi gây ra thương tích cho người khác. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật đã đưa ra chế tài xử phạt buộc người vi phạm phải thực hiện. Vậy gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn phạt bao nhiêu tiền?
Cần xử lý thế nào khi gây ra tai nạn giao thông?
Tai nạn giao thông là sự việc diễn ra ngoài ý muốn của các bên tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi xảy ra, người có hành vi gây ra tai nạn cần thực hiện các nghĩa vụ nhằm khắc phục hậu quả. Điều này nhằm thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có trách nhiệm sau:
“Điều 38. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.
1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền”.
Ngoài ra, pháp luật còn nghiêm cấm hành vi bỏ trốn khi gây ra tai nạn trong quá trình tham gia giao thông. Cụ thể được quy định tại khoản 17 Điều 8 của Luật này.
Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn phạt bao nhiêu tiền?
Để ngăn chặn hành vi trốn tránh nghĩa vụ khi gây ra tai nạn giao thông, pháp luật đã đưa ra chế tài xử phạt. Vậy mức phạt gây tai nạn giao thông là bao nhiêu? Đối với trường hợp ít có tình tiết tăng nặng sẽ thuộc lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ – CP như sau:
- Đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô. Khi gây ra tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không đến trình báo với Cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt từ 16.000.000 đồng – 18.000.000 đồng. Mức phạt bổ sung đối với phương tiện này sẽ là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 05 – 07 tháng.
- Đối với mô tô, xe máy. Người điều khiển loại phương tiện này gây ra tai nạn giao thông, không chịu trách nhiệm trước Cơ quan có thẩm quyền và không có ý thức khắc phục hậu quả sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi này sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 tháng – 05 tháng.
- Đối với máy kéo, xe kéo chuyên dùng. Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, gây ra tai nạn nhưng không dừng lại,… bị phạt tiền 10.000.000 đồng – 12.000.000 đồng. Mức phạt bổ sung sẽ là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông từ 05 – 07 tháng.
Gây ra tai nạn giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, đối với những trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng và hậu quả để lại nghiêm trọng hơn, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người vi phạm sẽ bị phạt từ từ 03 năm đến 10 năm nếu “gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”.
Thậm chí, nếu gây tai nạn chết người hoặc tỷ lệ thương tích lớn quy định tại khoản 3 của Điều luật này, mức án tù phải chịu là từ 07 năm đến 15 năm. Do đó, ngay sau khi gây ra tai nạn thương tích, người thực hiện hành vi này cần khắc phục hậu quả, và đến Cơ quan có thẩm quyền trình báo để hình phạt được giảm nhẹ.