Bạo hành cảm xúc bị xử lý như thế nào?
Mục lục
Bạo hành cảm xúc hiện nay đã không còn quá xa lạ với chúng ta, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Như chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều vụ án về bạo lực tinh thần khiến tỷ lệ người bị trầm cảm ngày càng tăng. Vậy bạo hành cảm xúc là gì? Được pháp luật quy định như thế nào? Người bạo hành cảm xúc người khác có bị xử lý hay không? Cùng chúng tôi giải đáp các thắc mắc trên trong nội dung bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
- Các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan khác.
2. Bạo hành cảm xúc là gì?
Hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định giải thích thế nào là bạo hành cảm xúc. Tuy nhiên, theo nghĩa thông thường thì có thể hiểu bạo hành cảm xúc là một loại bạo hành tinh thần, là loại bạo lực vô hình. Theo đó nó không gây ra thương tích trên người bị bạo hành giống như các trường hợp đánh đập. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng và sự sát thương lên người bị bạo hành là rất lớn và thậm chí khó điều trị hơn so với bạo lực về mặt thể chất.
Ví dụ như: Hai vợ chồng đột nhiên chiến tranh lạnh với nhau hay con mắng chửi bố mẹ già vì không lao động và không làm ra được tiền nên chỉ ăn bám con cái.
3. Quy định pháp luật về bạo hành cảm xúc
Trong tất cả các văn bản pháp quy phạm pháp luật chưa có quy định riêng về vấn đề bạo hành cảm xúc. Nhưng từ cách diễn giải về bạo hành cảm xúc, chúng ta thầy rằng việc bạo hành này liên quan đến vấn đề danh dự, nhân phẩm và uy tín của mỗi cá nhân.
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, danh dự, nhân phẩm và uy tín của mỗi cá nhân đều được pháp luật bảo hộ ngang nhau, được mọi người tôn trọng. Vì vậy bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín trong đó có cả bạo hành cảm xúc sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
4. Bạo hành cảm xúc bị xử lý như thế nào?
Người có hành vi bạo hành cảm xúc người khác có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại và thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này tùy thuộc vào hành vi vi phạm.
4.1. Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
- Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Và biển pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai nếu nạn nhân yêu cầu và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
- Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai.
4.2. Trách nhiệm dân sự
Thiệt hại do bạo hành cảm xúc bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Các bên có thể tự thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại thực tế mà người bị bạo hành gánh chịu. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến khích lựa chọn bởi vì gây mất thời gian, công sức và tiền bạc.
4.3. Trách nhiệm hình sự
Theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội làm nhục người khác như sau:
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với người đang thi hành công vụ;
- Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Dịch vụ tư vấn pháp lý tại Phan Law Vietnam
Khi bạn vị bạo hành cảm xúc (tinh thần) có thể liên hệ với văn phòng luật sư của chúng tôi để được tư vấn pháp luật về các vấn đề liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như: quyền và nghĩa vụ của người bị xâm phạm, người xâm phạm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; các quy trình, thủ tục, biện pháp xử lý hình sự, dân sự, hành chính; các quy định về trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị xâm phạm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bên cạnh đó, luật sư sẽ đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Khách hàng trong các vụ án hình sự, dân sự khi được ủy quyền.
Ngoài ra, Phan Law Vietnam còn cung cấp các giải pháp pháp lý chất lượng cao cho Khách hàng trong nhiều lĩnh vực như: sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp, đầu tư, lao động, hôn nhân và gia đình, tranh tụng, xử lý xâm phạm và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.
Nếu quý khách có thắc mắc cần giải đắp hoặc yêu cần cần hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi bằng cách điền thông tin cá nhân trong form dưới đây.