Cha mẹ thu tiền lì xì Tết của con có phải vi phạm pháp luật không?
Mục lục
Vào dịp Tết, các em nhỏ thường hay được người lớn lì xì. Tuy nhiên, cha mẹ thường có xu hướng bảo giữ hộ hoặc trực tiếp tịch thu tiền lì xì Tết của các em. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật hay không?
1. Tiền lì xì Tết có phải tài sản riêng không?
Tiền lì xì của các em nhỏ thường được họ hàng, người thân trong gia đình lì xì vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đây được coi như một lời chúc, sự kỳ vọng tốt đẹp nhất cho mùa Xuân năm đó.
Qua đó, nhiều đứa trẻ thắc mắc tiền lì xì Tết của mình có được coi là tài sản riêng hay không. Theo khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền có tài sản riêng của con như sau:
1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
2. Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.
3. Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của Luật này.
Như vậy, tiền lì xì Tết của trẻ nhỏ được coi như tài sản riêng được pháp Luật bảo vệ. Tuy nhiên, với những đứa trẻ từ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ thì phải có nghĩa vụ chăm lo chung cho đời sống của gia đình. Cần đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho gia đình nếu có tạo ra thu nhập.
Xem thêm: Ép người khác uống rượu bia ngày Tết có phải là hành vi vi phạm pháp luật?
2. Cha mẹ thu tiền lì xì Tết của con có phải vi phạm pháp luật không?
Theo Luật Hôn nhân và gia đình thì việc thu hộ tiền lì xì Tết của con có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Với trường hợp con từ đủ 15 tuổi trở lên đã có đủ nhận thức về năng lực, hành vi dân sự thì cha mẹ cần phải trao lại tiền lì xì (tài sản riêng cho con).
Trường hợp cha mẹ cố tình không trao lại cho con và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản riêng thì có thể bị phạt theo quy định pháp luật. Cụ thể, Theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi bạo lực về kinh tế được quy định như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
2. Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
3. Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Qua đó có thể thấy nếu cha mẹ ép buộc bắt con đưa tiền lì xì khi con đã có thể tự mình quản lý tài sản riêng thì sẽ được coi là vi phạm pháp luật. Như vậy, cha mẹ không được tự ý lấy tiền lì xì của con phục vụ cho mục đích riêng, không vì lợi ích của con.
Tuy nhiên, trong thực tế thì cha mẹ sẽ là người chăm sóc, giáo dục con cái cũng như lo lắng từ cơm ăn cho đến áo mặc. Do đó, việc phân chia rõ ràng tài sản riêng của con thường rất ít và hầu như không có.
3. Tư vấn pháp lý về hành vi chiếm đoạt tài sản riêng trong gia đình
Bên cạnh tiền lì xì Tết thì một số trường hợp các thành viên trong gia đình còn chiếm đoạt tài sản riêng của nhau. Có thể thấy đây là hành vi đáng lên án, bởi những người thân trong gia đình thường gần gũi, đùm bọc lẫn nhau mà có thể thực hiện việc làm này.
Nếu bạn đang cần hỗ trợ tư vấn pháp lý về hành vi chiếm đoạt tài sản riêng trong gia đình thì đừng ngần ngại liên hệ với Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam để được hỗ trợ nhé. Đội ngũ Luật sư chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm tại Phan Law Vietnam chắc chắn sẽ hỗ trợ bạn giải quyết mọi vấn đề liên quan đến pháp luật.