Chiếm đoạt tài sản chuyển khoản nhầm có xử phạt không?
Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống chuyển khoản nhầm hoặc nhận được một khoản tiền không rõ nguồn gốc? Nếu người nhận cố ý chiếm đoạt tài sản chuyển khoản nhầm mà không trả lại thì hành vi này có bị pháp luật xử phạt? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.
1. Tiền người khác chuyển khoản nhầm có được sử dụng không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau:
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
2. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Theo đó, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó. Trong trường hợp không thể xác định được chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền, tài sản phải được giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015.
Do đó, người nhận được khoản tiền chuyển khoản nhầm không có quyền sử dụng số tiền này mà phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho người đã chuyển nhầm.


Xem thêm: Cảnh giác chiêu trò lừa đảo chuyển nhầm tiền và cách xử lý
2. Chiếm đoạt tài sản chuyển khoản nhầm có xử phạt không?
2.1. Xử phạt hành chính
Căn cứ tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;
c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Như vậy, có thể hiểu hành vi chiếm đoạt tài sản chuyển khoản nhầm mà không trả lại tiền do chủ sở hữu chuyển nhầm là hành vi chiếm giữ tài sản của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể:
– Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Đối với tổ chức: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng ( Căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
– Về phạt bổ sung thì sẽ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đối với người vi phạm là người nước ngoài thì sẽ áp dụng hình thức trục xuất.
– Về biện pháp khắc phục hậu quả sẽ buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.


2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, cố tình không trả lại tiền cho chủ sở hữu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo đó, nếu tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng sau khi chủ sở hữu yêu cầu được nhận lại tài sản thì bị:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng,
– Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Văn phòng luật sư tố tụng
Trong cuộc sống hiện đại, những sai sót trong giao dịch tài chính, đặc biệt là các giao dịch chuyển khoản ngân hàng, không còn là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, việc xử lý những tình huống này một cách đúng đắn theo quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.
Văn phòng luật sư tố tụng của chúng tôi hiểu rõ những băn khoăn và lo lắng của bạn khi gặp phải tình huống chuyển khoản nhầm hoặc bị người khác chiếm đoạt tài sản do chuyển nhầm. Với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, am hiểu sâu sắc về luật dân sự và hình sự, chúng tôi sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ pháp lý toàn diện và hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
Khi bạn vô tình chuyển khoản nhầm tiền cho người khác hoặc ngược lại, bạn nhận được một khoản tiền không rõ nguồn gốc, việc xử lý tình huống này một cách nhanh chóng và đúng pháp luật là vô cùng quan trọng. Sự chậm trễ hoặc hành động thiếu hiểu biết có thể dẫn đến những tranh chấp phức tạp, thậm chí là các vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Văn phòng luật sư tố tụng của chúng tôi sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy, giúp bạn:
- Giải thích rõ ràng các quy định của pháp luật về quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ hoàn trả trong trường hợp chuyển khoản nhầm.
- Tư vấn và hỗ trợ bạn thực hiện các thủ tục cần thiết để đòi lại số tiền đã chuyển nhầm hoặc xử lý khoản tiền nhận nhầm một cách hợp pháp.
- Trong trường hợp xảy ra tranh chấp với người nhận hoặc người chuyển nhầm, chúng tôi sẽ đại diện bạn thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bạn.
- Cung cấp những lời khuyên hữu ích để bạn thực hiện các giao dịch tài chính một cách cẩn trọng, tránh những sai sót không đáng có.
Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn chi tiết!