Đe dọa giết người để đòi nợ có bị xử lý hình sự không?
Mục lục
1. Tội đe dọa giết người để đòi nợ trong pháp luật hình sự:
Căn cứ quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người có hành vi đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội trong các trường hợp sau đây thì phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
- Đối với 02 người trở lên;
- Lợi dụng, chức vụ quyền hạn;
- Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
- Đối với người dưới 16 tuổi;
- Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Như vậy, để cấu thành Tội đe dọa giết người và được áp dụng các biện pháp xử lý hình sự, chúng ta không chỉ cần chứng minh có hành vi đe dọa giết người, mà còn phải chứng minh hành vi đe dọa đó có căn cứ khiến cho nạn nhân lo sợ việc đe dọa sẽ được thực hiện thật.
Theo đó, Nghị quyết 04/NQ-HĐTP hướng dẫn phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật, như: nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao đe dọa,…
Đồng thời, phải xem xét hành vi đe dọa một cách khách quan, toàn diện, trong mối liên hệ với các yếu tố: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm diễn biến, nguyên nhân sâu xa (nếu có) và trực tiếp của sự việc, mối tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ v.v…), để xác định sự lo sợ của nạn nhân cho rằng việc đe dọa sẽ được thực hiện, có căn cứ hay không.
Từ dẫn chứng pháp luật nêu trên, hành vi đe dọa giết người nhằm mục đích đòi nợ hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định luật hình sự về Tội đe dọa giết người với hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, nếu cùng với hành vi đe dọa còn có hành vi chuẩn bị giết người bị đe dọa (như mài dao, lau súng đạn…) thì xử lý hành vi đó về Tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị theo khoản 3 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
2. Phải làm gì khi bị đe dọa giết người do nợ nần?
Thứ nhất, bạn phải liên hệ ngay với cơ quan chức năng để thông báo về sự đe dọa bạn đang gặp phải, cung cấp tất cả thông tin liên quan, bao gồm tên và thông tin của người đe dọa, cũng như bằng chứng (nếu có).
Thứ hai, bạn nên tìm sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, thông báo cho gia đình và bạn bè gần nhất về tình huống mà bạn đang đối mặt. Họ có thể cung cấp sự hỗ trợ tinh thần và đóng vai trò như nhân chứng nếu cần thiết.
Thứ ba, bạn nên đổi số điện thoại và địa chỉ (nếu có thể): Nếu bạn biết ai đang đe dọa bạn, hãy thay đổi số điện thoại và địa chỉ của bạn ngay lập tức, đồng thời, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bạn và chỉ chia sẻ với những người tin cậy.
Thứ tư, bạn cần tăng cường an ninh cá nhân bằng cách thiết lập các biện pháp an ninh như cài đặt hệ thống báo động, lắp đặt camera an ninh, thường xuyên kiểm tra cửa sổ, cửa ra vào để đảm bảo an toàn. Bạn cũng hạn chế việc ra khỏi nhà vào ban đêm và luôn luôn để cho ai đó biết vị trí của bạn.
Thứ năm, bạn nên tìm đến sự tư vấn chuyên nghiệp từ một luật sư hoặc chuyên gia pháp lý. Họ có thể cung cấp cho bạn lời khuyên chính xác và giúp bạn xác định các công cụ pháp lý có thể áp dụng và đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của bạn.
Cuối cùng, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh, tìm cách giảm stress và tạo điều kiện để bạn có thể giữ được tinh thần lạc quan trong thời gian khó khăn này. Bạn phải nhớ rằng việc đối mặt với tình huống đe dọa giết là rất nghiêm trọng và cần sự can thiệp của những người có thẩm quyền. Hãy tìm sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng và chuyên gia phù hợp để bảo vệ bản thân!
3. Dịch vụ luật sư tại Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam:
Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam cung cấp dịch vụ luật sư uy tín, chuyên môn cao, sẵn sàng hỗ trợ Quý Khách hàng trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, hôn nhân, gia đình.
Chúng tôi thường xuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý, luật sư bào chữa, luật sư tranh tụng đáp ứng nhu cầu của Quý Khách hàng.