Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là hành vi cố ý chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam được quy định tại Điều 226 Bộ Luật hình sự 2015.
Có thể bạn quan tâm
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Các trường hợp xác lập quyền sở hữu
—————————————————————————————————————————————
Quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ nhất, các yếu tố cấu thành tội
Mặt khách quan
– Về hành vi: Người phạm tội có một trong các hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là người vi phạm có hành vi chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ví dụ như: đặt tên nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn. Theo đó:
Hành vi chiếm đoạt là hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật các đối tượng sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu hợp pháp thành của mình bằng các thủ đoạn như trộm cắp, lừa đảo,…
Hành vi sử dụng bất hợp pháp là hành vi sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu công nghiệp.
* Lưu ý: Hành vi nói trên chỉ bị coi là tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nếu hành vi đó được thực hiện với quy mô thương mại hoặc nhằm thu lợi bất chính hoặc nhằm mục đích gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Quan trọng, các đối tượng nêu trên là các đối tượng được Nhà nước bảo hộ tức là đã được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Khách thể: Xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế đồng thời xâm phạm đến sự bảo hộ quyền sở hữu các sản phẩm công nghiệp của cá nhân, pháp nhân được pháp luật quy định và bảo vệ.
Mặt chủ quan: Người, pháp nhân phạm tội thực hiện tội phạm này vối lỗi cố ý.
Người phạm tội thực hiện tội phạm vì mục đích kinh doanh (vụ lợi), đây là một trong các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Như vậy người có các hành vi nêu ở trên nhưng không vì mục đích kinh doanh thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Chủ thể: Chủ thể của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là pháp nhân và bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, về hình phạt
Quy định về hình phạt trong tội danh này được áp dụng cho hai đối tượng khác nhau đó là cá nhân và pháp nhân và được chia thành hai khung, cụ thể như sau:
– Khung 1: Trường hợp phạm tội có cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan và nhằm thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Cá nhân: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Pháp nhân thương mại: trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng.
– Khung 2: Được áp dụng trong các trường hợp: Có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên
- Cá nhân: phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Pháp nhân thương mại: thì trong trường hợp này mức phạt tiền là từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
– Hình phạt bổ sung: Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể:
- Cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.