Các trường hợp xác lập quyền sở hữu
Quyền sở hữu tài sản là một chế định vô cùng phức tạp và đa dạng trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền sở hữu? Và có những căn cứ nào để xác lập quyền sở hữu? bài viết viết đây sẽ giúp bạn giải đáp được phần nào những thắc mắc trên.
Cơ sở pháp lý: Quyền sở hữu được quy định tại Điều 221 BLDS năm 2015. Đối với mỗi trường hợp quy định trong điều luật trên, xác lập quyền sở hữu được xác định theo những cách khác nhau.
Một số trường hợp
Đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hoạt động sáng tạo ra sở hữu trí tuệ: Công dân đã bằng sức lao động của mình, tạo ra các sản phẩm, các thành quả lao động thì họ hoàn toàn có quyền sở hữu đối với những tài sản làm ra bằng chính lao động của họ.
Theo hợp đồng: Hợp đồng dân sự là một trong các phương thức cơ bản nhất để xác lập quyền sở hữu.
Đối với hoa lợi, lợi tức: Hoa lợi, lợi tức là những tài sản phát sinh từ một tài sản vốn có từ trước. Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.
Tạo thành vật mới thông qua trộn lẫn, sáp nhập, chế biến: do các sự kiện này xảy ra mà tài sản của chủ sở hữu tạo thành tài sản mới; tài sản mới có thể là chung hay riêng của từng chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được quyền sở hữu: một người được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong các trường hợp này phải đảm bảo các điều kiện theo các quy định của pháp luật.
Xác lập quyền sở hữu do được thừa kế, theo thời hiệu, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
Do thừa kế: Người thừa kế được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế theo quy định tại phần thứ tư của BLDS 2015.
Theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác: Quyền sở hữu có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác.
Theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, pháp luật đã quy định khá rõ ràng và cụ thể về những trường hợp xác lập quyền sở hữu. Qua đó, chủ sở hữu có thể nắm bắt được những trường hợp bản thân có thể xác lập quyền sở hữu với tài sản.