Hiểu thế nào về xử phạt xe không chính chủ năm 2022
Mục lục
Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 1/1/2022, lái xe sẽ bị phạt lỗi xe không chính chủ, vậy hiểu như thế nào về quy định trong thông tư 58/2020 của Bộ Công an. Bài viết này chúng tôi làm rõ những quy định của pháp luật để tránh tâm lý hoang mang khi điều khiển phương tiện giao thông không chính chủ.
1. Hiểu như thế nào là xe không chính chủ theo quy định của pháp luật
Hiện nay, do nắm thông tin không chính xác khiến nhiều người hiểu nhầm rằng “đi xe chính chủ” nghĩa là cá nhân, tổ chức chỉ được điều khiển phương tiện giao thông đăng ký dưới tên của mình, nếu không sẽ bị phạt. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định cấm các cá nhân mượn xe của nhau để tham gia giao thông. Nên việc hiểu xe không chính chủ như trên là một sai lầm.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉ những trường hợp cá nhân mua, được tặng cho, thừa kế,… xe mà không làm thủ tục sang tên mới bị xử phạt. Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA có yêu cầu đối với việc chuyển quyền sở hữu xe như sau: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký biển số.
Nếu sau 30 ngày không tiến hành đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt theo mức phạt tại Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Vì vậy không có quy định nào về việc đi xe không chính chủ do mượn sẽ bị phạt.
2. Khi nào CSGT được xử phạt xe không chính chủ
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.”
Lực lượng chức năng sẽ không dừng xe đang duy chuyển trên đường để phạt lỗi xe không chính chủ trong trường hợp xe mượn, kể cả trường hợp đã kiểm tra hành chính mà giấy đăng ký xe không phải người điều khiển phương tiện giao thông thì CSGT vẫn không xử phạt lỗi không sang tên.
Người điều khiển phương tiện chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ gồm giấy đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm bắt buộc xe máy hoặc xe ô tô, giấy đăng kiểm xe (áp dụng đối với ô tô) là có thể được lưu thông bình thường.
Theo Nghị định 100/NĐ-CP, lỗi không sang tên đổi chủ với xe máy bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng với xe cá nhân, 800.000-1,2 triệu đồng với tổ chức. Với ô tô, mức phạt tương ứng là 2 – 4 triệu đồng với cá nhân và từ 4 – 8 triệu đồng đối với tổ chức. Từ ngày 1/1/2022 đến 11/1/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào vi phạm về lỗi “xe không chính chủ”.
Theo Nghị định 58/2020, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều đời chủ như hợp đồng mua bán, tặng cho,….mà không có giấy tờ thì vẫn được giải quyết sang tên đến hết 31/12/2021.
Nếu không thực hiện trong thời hạn này, thì từ ngày 01/01/2022 trở đi đối với xe không chính chủ không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu sẽ không được giải quyết sang tên. Các nhà làm luật đã tạo điều kiện tối đa cho người dân sang tên trước khi áp dụng luật mới. Hiện nay đã hết thời hạn sang tên xe không có hợp đồng hay giấy tờ chuyển nhượng nên những phương tiện trên cần hết sức lưu ý khi tham gia giao thông.
Thực tế, việc điều khiển phương tiện giao thông không chính chủ gây rất nhiều phiền hà cho cơ quan chức năng, gây bất lợi cho cả chủ cũ lẫn chủ mới. Vì vậy nhà nước vừa tạo điều kiện vừa có chế tài nghiêm khắc để thúc đẩy người dân đăng ký sang tên xe không chính chủ.