Mức xử phạt ăn trộm điện theo quy định mới nhất năm 2022
Mục lục
Mức xử phạt ăn trộm điện căn cứ vào hành vi và hậu quả gây ra. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP. Nếu hành vi trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên thì người phạm tội có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.
1. Giải nghĩa hành vi ăn trộm điện
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 17/8//2015 Hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì: “Trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện và các hành vi lấy điện gian lận khác.”
Một số hành vi liên quan đến trộm cắp điện như: Tự tiện đấu nối; câu móc lấy điện trên hệ thống điện; cố ý làm hỏng công tơ để dùng điện; khoan lỗ vỏ công tơ để chặn đĩa quay; lật nghiêng hoặc đảo ngược công tơ…; cắt đứt hoặc xâm phạm chì niêm phong; tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ; và các thiết bị liên quan đến đo đếm điện; đấu tắt cuộn dòng…
Các thủ đoạn ăn cắp điện phổ biến bao gồm: Tác động câu trực tiếp trước công tơ không qua hệ thống đo đếm; dùng thiết bị bên ngoài như đảo sơ đồ đấu dây; đảo cực tính dùng mát ngoài, tháo cầu câu áp 01 pha của công tơ 3 pha,… nhằm làm sai lệch điện năng tiêu thụ.
2. Mức xử phạt ăn trộm điện là bao nhiêu?
Tùy theo số lượng điện bị trộm cắp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 9 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, ngày 17/10/2013, quy định về phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:
“a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng dưới 1.000kWh;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 1.000kWh đến dưới 2.000kWh;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 2.000kWh đến dưới 4.500kWh;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 4.500kWh đến dưới 6.000kWh;
đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 6.000kWh đến dưới 8.500kWh;
e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500kWh đến dưới 11.000kWh;
g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000kWh đến dưới 13.500kWh;
h) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500kWh đến dưới 16.000kWh;
i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000kWh đến dưới 18.000kWh;
k) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh”.
Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
- Buộc nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền bất hợp pháp có được;
- Buộc sử dụng các thiết bị đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
- Buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại đối với hành vi vi phạm.
3. Ăn trộm điện có bị đi tù không?
Hành vi trộm cắp điện nếu từ 20.000 kWh trở lên; thì có thể bị đi tù vì tội trộm cắp tài sản; và mức hình phạt sẽ tương ứng với hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự. Hình phạt của tội này là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu phạm tội có tình tiết tăng nặng như: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, … thì hình phạt có thể lên đến 20 năm tù.
Trên đây là mức xử phạt ăn trộm điện theo quy định hiện hành. Mong rằng các thông tin trên đã giúp bạn hiểu thêm về hành vi này, cũng như quy định xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Hãy tham khảo các bài viết về pháp luật khác của chúng tôi trên website.