Mức xử phạt không đóng kinh phí công đoàn
Mục lục
Một doanh nghiệp khi thành lập sẽ phát sinh các nghĩa vụ tương ứng trong suốt quá trình hoạt động. Điển hình trong số đó chính là nộp các khoản kinh phí công đoàn. Tuy nhiên có một số doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ này dẫn đến việc vị xử phạt không đóng phí công đoàn theo quy định của pháp luật.
Công đoàn là gì?
Theo quy định tại Điều 1 Luật công đoàn 2012 thì Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quy định về đóng kinh phí công đoàn
Kinh phí công đoàn là một loại tài chính công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Các đối tượng phải đóng bao gồm các đối tượng là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, chi tiết gồm:
– Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
– Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập;
– Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư;
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã;
– Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam;
– Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Xử phạt không đóng kinh phí công đoàn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp dù có hay không có tổ chức công đoàn cơ sở cũng vẫn phải đóng khoản kinh phí này. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đóng hoặc chậm đóng khoản kinh phí này. Nếu có các hành vi này thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt không đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Điều 37 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Theo đó:
– Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
– Chậm đóng kinh phí công đoàn;
– Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
– Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
– Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Ngòi ra còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.