Mức xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông năm 2021
Mục lục
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia chính thức được áp dụng vào đầu năm 2020 đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt về sử dụng rượu bia, đặc biệt trong quá trình tham gia giao thông. Đồng thời, pháp luật hiện hành đã cập nhật mức xử phạt nồng độ cồn đối với các chủ phương tiện vi phạm khi tham gia giao thông, để đảm bảo thực hiện các quy định mà pháp luật đã đề ra.
Xử phạt nồng độ cồn là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống tác hại rượu, bia 2019: “Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C.”
Xử phạt nồng độ cồn là cách nói vắn tắt đối với những quy định về xử phạt hành vi vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt là hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm.
Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến xử phạt nồng độ cồn
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 cũng nêu rõ những định hướng về phòng ngừa tai nạn giao thông tại Điều 21 như sau:
“1. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
2. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.
4. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.”
Hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Mức xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Mức xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông tùy thuộc vào loại phương tiện tham gia, cũng như nồng độ cồn vượt mức đối với người đang điều khiển. Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức xử phạt nồng độ cồn như sau:
Đối với nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
- Đối với xe máy: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Đối với ô tô: Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Đối với nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
- Đối với xe máy: Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Đối với ô tô: Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Đối với nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
- Đối với xe máy: Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
- Đối với ô tô: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.