Phân tích tình trạng lạm phát ở Việt Nam
Mục lục
Do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine và những nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19, lạm phát đã và đang tiếp tục tăng cao trên toàn thế giới. Đà leo thang của giá cả gây ra những sức ép lớn buộc các hầu hết các nền kinh tế lớn phải tăng lãi suất, từ đó đặt nền kinh tế toàn cầu trước rủi ro suy thoái. Vậy tình trạng lạm phát ở Việt Nam so với những nước khác như thế nào?
1. Lạm phát được hiểu là gì?
Lạm phát là chỉ số thể hiện sự tăng lên của mức giá chung liên tục theo thời gian dài của hàng hóa và dịch vụ. Từ đó, giá trị của tiền tệ sẽ dần dần mất đi. Có thể hiểu đơn giản như sau, khi mức giá chung của loại hàng hóa, dịch vụ tăng cao thì một đơn vị tiền tệ lúc này sẽ mua được ít hàng hóa hơn. Chỉ số lạm phát sẽ phản ánh rõ nét về sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ nào đó.
2. Tình trạng lạm phát ở Việt Nam so với những nước khác như thế nào?
Tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Mỹ. Lạm phát của khu vực Euro tháng 11/2022 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; Mỹ tăng 7,1% và FED tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại Châu Á, lạm phát tháng 11/2022 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5%; Indonesia tăng 5,4%; Trung Quốc tăng 1,6%; Nhật Bản tăng 3,8%. Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát của Nhật Bản, Trung Quốc.
Trong nước, nền kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã thúc đẩy giá hàng hóa và những dịch vụ thiết yếu tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh một năm nhiều biến động khó lường.
Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Các chính sách được đưa ra phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
3. Dự báo tình trạng lạm phát ở Việt Nam năm 2023 như thế nào?
Trong bối cảnh tình hình lạm phát ở mức cao, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, cũng như kiểm soát giá cả nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng.
Kết quả, năm 2022 Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép: GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội giao. Ngoài ra, đồng Việt Nam cũng được coi là đồng tiền có tính ổn định cao trên thế giới trong năm qua… Mặc dù vậy, các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn rất lớn. Tình hình lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất trong tương lai gần…
Tại hội thảo khoa học “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023 do Học viện Tài chính (Viện Kinh tế – Tài chính) tổ chức ngày 04/01/2023”, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định, chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2022 cùng với nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái năm 2023 sẽ khiến áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
Và TS Nguyễn Đức Độ cũng đưa ra quan điểm “Lạm phát so với cùng kỳ năm trước có khả năng đạt đỉnh vào tháng 1-2023 và sau đó sẽ quay trở lại mức trung bình của giai đoạn 2016 – 2022, khoảng 3%. Lạm phát trung bình năm 2023 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3,5%”,