Quấy rối tình dục là hành vi như thế nào?
Mục lục
Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Quấy rối tình dục là vấn nạn nhức nhối không chỉ tại chốn công sở, mà còn xảy ra ở rất nhiều ở mọi loại hình ngành nghề, mọi nơi làm việc khác nhau. Tôi muốn được hiểu rõ hơn về hành vi này theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Mong các luật sư có thể tư vấn rõ hơn.
Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ thắc mắc của mình về Phan Law Việt Nam. Đối với trường hợp mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin phép được hỗ trợ giải đáp dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Quấy rối tình dục theo quy định của Bộ Luật Lao động
Bộ Luật Lao động 2019 hiện hành đã đưa ra định nghĩa cụ thể hơn cho hành vi quấy rối tình dục. Cụ thể, tại quy định ở khoản 9 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019 có nêu: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”
Quấy rối tình dục thực tế là vấn nạn đặc biệt tại môi trường làm việc của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã đưa ra bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc vào năm 2015 để góp phần thực thi các quy định của pháp luật và thúc đẩy việc phòng, chống hành vi quấy rối tình dục trên thực tế.
Theo hướng dẫn của bộ quy tắc này, các hành vi quấy rối tình dục được định hình cụ thể hơn bao gồm:
“Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể chất, lời nói hoặc phi lời nói, bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
- Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
- Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.”
Có thể xử lý hành vi quấy rối tình dục như thế nào?
Hiện tại, vẫn chưa có quy định cụ thể nào để định khung hình phạt cho hành vi quấy rối tình dục. Thông thường, những người có thẩm quyền sẽ tùy thuộc vào hành vi, tính chất, mức độ của người vi phạm để xem xét áp dụng biện pháp hành chính về trật tự hoặc thậm chí là biện pháp hình sự nếu hành vi cấu thành tội phạm cụ thể.
Tuy nhiên, việc xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn có nhiều hệ lụy khác nhau, vì thế người lao động, doanh nghiệp có thể áp dụng những biện pháp xử lý không chính thức như việc hòa giải. Những trường hợp áp dụng biện pháp này thông thường đó là:
- Người khiếu nại/tố cáo muốn tự mình xử lý trường hợp của mình nhưng mong muốn có được lời khuyên về cách giải quyết phù hợp;
- Người khiếu nại/tố cáo đề nghị người giám sát thay mặt mình nói chuyện với người bị cho là thực hiện hành vi quấy rối. Người giám sát sẽ bí mật truyền tải mối quan ngại của người khiếu nại/tố cáo, nhắc lại quy định của doanh nghiệp về vấn đề quấy rối tình dục với người bị cho là thực hiện hành vi quấy rối mà không đánh giá bản chất vụ việc
- Lời khiếu nại/tố cáo nại được đưa ra, người bị cho là thực hiện hành vi quấy rối thừa nhận hành vi, không cần thiết tiến hành điều tra, xác minh và khiếu nại được giải quyết thông qua hòa giải hoặc dựa trên đề nghị của người thực hiện hành vi quấy rối;
- Người giám sát hay người quản lý chứng kiến hành vi không thể chấp nhận được và tự hành động độc lập mặc dù không có khiếu nại/tố cáo.