Quấy rối tình dục nơi công sở sẽ bị xử lý như thế nào trong năm 2022
Mục lục
Bộ luật hình sự của Việt Nam chưa có chế tài đối với các hành vi quấy rối tình dục mà chỉ được nêu trong Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động quy định về địa điểm quấy rối tại nơi làm việc như sau: “Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”. Việc quy định rõ các chế tài đối với những đối tượng quấy rối tình dục nơi công sở sẽ là thước đo để người lao động lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.
1. Hành vi quấy rối tình dục nơi công sở là gì?
Nghị định 145/2020 nêu rõ Quấy rối tình dục là hành vi có mục đích đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc người lao động quan hệ tình dục để đổi lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc. Mặt khác, những hành vi không hướng đến việc quan hệ tình dục nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người lao động đều được xem là Quấy rối tình dục. Bao gồm:
- Hành động, cử chỉ có tính chất tình dục;
- Ngôn ngữ, tài liệu trực quan đề cập cụ thể, miêu tả hoặc liên quan đến hoạt động tình dục;
- Đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn công việc lương, thưởng.
Nơi làm việc được hiểu là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc.
Có thể thấy hành vi quấy rối tình dục có những đặc điểm sau:
- Chủ thể là cá nhân: không phân biệt giới tính và độ tuổi;
- Quấy rối thể hiện dưới dạng hành vi: lời nói hành động,…
- Đi ngược lại với mong muốn của nạn nhân;
- Có thể diễn ra mọi nơi làm việc.
2. Chế tài xử phạt hành vi quấy rối tình dục nơi công sở
Theo BLLĐ 2019, người lao động quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải mà không cần phải báo trước.
Theo Điều 85 Nghị định 145/2020, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng, thực hiện các giải pháp phòng, chống Quấy rối tình dục.
Ngoài ra theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người quấy rối có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Người sử dụng lao động căn cứ vào tình hình của đơn vị mình mà có những quy định cụ thể từng hành vi tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Do đó, trước hết chủ các doanh nghiệp, chủ cơ sở làm việc phải có trách nhiệm xây dựng, thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục. Trên cơ sở đó, khi có vụ việc quấy rối xảy ra thì mới có cơ sở để xem xét, xử lý. Một khó khăn nữa trong xử lý vấn đề này là có nhiều người lao động, nhất là lao động nữ bị quấy rối lựa chọn im lặng, nghỉ việc vì sợ điều tiếng… Điều này làm cho hành vi quấy rối tình dục tồn tại lâu dài, khó giải quyết triệt để.