Quy định của pháp luật về xử phạt hành vi bạo hành trẻ em ở trường mầm non
Mục lục
Bạo hành trẻ em ở trường mầm non là hành vi vi phạm quyền trẻ em và để lại những hậu quả nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tâm lý cho trẻ. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu những quy định của pháp luật đối với người bạo hành trẻ ở trường mầm non như thế nào nhé!
1. Định nghĩa hành vi bạo hành trẻ em
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ người bao nhiêu tuổi thì được gọi là trẻ em. Cụ thể, tại Điều 1 của Luật Trẻ em 2016, trẻ em được hiểu là những người có độ tuổi dưới 16.
Theo quy định tại khoản 6, Điều 4 của Luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em được định nghĩa là hành vi: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
2. Hình phạt nào dành cho những đối tượng bạo hành trẻ em ở trường mầm non
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 của Luật Trẻ em 2016, bạo lực đối với trẻ em là một trong những hành vi bị cấm. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.1. Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 130/2021/NĐ-CP, các hành vi bạo lực đối với trẻ em sẽ bị xử phạt theo các mức độ như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này…
2.2. Người bạo hành trẻ em ở trường mầm non bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi bạo hành trẻ em gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, người bạo hành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bao gồm các tội sau:
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (theo Điều 134).
- Tội vô ý làm chết người (theo Điều 128).
- Tội giết người (theo Điều 123).
- Tội hạnh hạ người khác (theo Điều 140).
Cụ thể, Điều 140 Tội hành hạ người khác Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định rõ:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ…
Xem thêm: Thuê luật sư bao nhiêu tiền?
3. Ba mẹ nên làm gì khi biết con bị bạo hành ở trường mầm non?
Khi biết con mình bị bạo hành ở trường mầm non, ba mẹ nên thực hiện các bước sau:
- Bình tĩnh và lắng nghe: Hãy giữ bình tĩnh và lắng nghe khi con chia sẻ về việc bị bạo hành. Hãy đảm bảo con cảm thấy an toàn và tin tưởng để chia sẻ với ba mẹ.
- Ghi lại thông tin: Ghi lại các sự việc bạo hành mà con đã trải qua, bao gồm thời gian, địa điểm,… Điều này sẽ giúp ba mẹ có được thông tin chính xác và hữu ích khi tiếp cận với nhà trường.
- Liên hệ với nhà trường: Hãy liên hệ với nhà trường ngay lập tức để thông báo về tình huống bạo hành mà con mình đang phải đối mặt, yêu cầu họ tiến hành các biện pháp xử lý và ngăn chặn.
- Theo dõi và bảo vệ con: Tiếp tục theo dõi tình hình của con sau khi thông báo vụ việc cho nhà trường, đảm bảo con được bảo vệ an toàn và có môi trường học tập lành mạnh.
4. Dịch vụ hỗ trợ tư vấn pháp lý trong trường hợp trẻ bị bạo hành ở trường mầm non
Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn pháp lý đặc biệt cho các trường hợp trẻ bị bạo hành ở trường mầm non. Với sự tận tâm và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, đội ngũ luật sư của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho con trẻ. Chúng tôi cung cấp tư vấn chuyên sâu về quyền trẻ em, luật Trẻ em và các quy định pháp luật liên quan.
Phan Law Vietnam sẽ giúp bạn hiểu rõ quyền lợi của con và cung cấp các giải pháp pháp lý hợp lý để bảo vệ con và đảm bảo trường hợp bạo hành của con bạn được giải quyết một cách công bằng và hiệu quả. Chúng tôi cam kết đảm bảo sự riêng tư và tôn trọng mọi thông tin được chia sẻ.
Hãy đến với văn phòng luật sư Phan Law Vietnam để nhận được sự tư vấn pháp lý chuyên nghiệp để lên án và xử lý những hành vi bạo hành trẻ em ở trường mầm non cũng như những trường hợp xâm phạm quyền trẻ em khác.