Sản xuất hàng giả nếu bị phát hiện thì bị xử phạt như thế nào?
Mục lục
Sản xuất hàng giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Vậy hành vi sản xuất hàng nhái, hàng giả có vi phạm pháp luật và được quy định các khung hình phạt như thế nào?
1. Định nghĩa hàng giả theo quy định của pháp luật hiện nay
Theo quy định được nêu tại khoản 7 Điều 3 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, định nghĩa về hàng giả đã được xác định như sau:
a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
2. Mức phạt hành chính với hành vi sản xuất hàng giả
Hành vi sản xuất hàng giả bị phát hiện sẽ bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, tùy thuộc vào loại hàng hóa bị làm giả và mức độ vi phạm. Cần lưu ý rằng mức phạt trên áp dụng cho cá nhân vi phạm. Trong trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt tiền sẽ là gấp đôi so với cá nhân.
Ngoài ra, tổ chức và cá nhân sản xuất hàng giả còn có thể bị tịch thu tang vật liên quan đến hoặc tịch thu các phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả. Đồng thời, có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất vi phạm trong khoảng thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng.
3. Mức phạt tù dành cho hành vi sản xuất hàng giả theo quy định hiện hành
Theo quy định được nêu tại Điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái sẽ bị xử phạt tù trong các trường hợp sau đây:
3.1. Đối với cá nhân phạm tội
Người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong các trường hợp sau:
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng, hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%…
Người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm trong các trường hợp sau:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Gây chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên…
Người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong các trường hợp sau:
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng có giá trị 500.000.000 đồng trở lên;
- Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
- Gây chết ít nhất 02 người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất 02 người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 122% trở lên…
3.2. Đối với pháp nhân
Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 không áp đặt hình phạt tù đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Thay vào đó, chủ thể này sẽ bị xử phạt tiền và có thể bị cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực cụ thể hoặc cấm huy động vốn trong thời gian từ 01 năm đến 03 năm.
Xem thêm: Kinh doanh hàng kém chất lượng thì bị xử phạt như thế nào?
4. Tư vấn pháp lý uy tín, bảo mật, hiệu quả cùng Phan Law Vietnam
Với đội ngũ luật sư am hiểu sâu sắc về lĩnh vực pháp lý liên quan đến hành vi sản xuất hàng giả, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam sẽ tư vấn và hỗ trợ Khách hàng trong quá trình đối phó với các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất hàng giả. Chúng tôi đảm bảo sự bảo mật tuyệt đối thông tin của Khách hàng và cam kết làm việc với tính chuyên nghiệp cao nhất.
Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và tư vấn theo nhu cầu cụ thể của từng Khách hàng, đồng hành cùng Khách hàng trong quá trình bảo vệ quyền lợi và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Bạn còn thắc mắc nào khác liên quan đến vấn đề sản xuất hàng giả? Liên hệ với Phan Law Vietnam ngay hôm nay!