Tố tụng dân sự là gì?
Mục lục
Tố tụng dân sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Ngành luật tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình Toà án nhân dân giải quyết các vụ việc dân sự. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cập nhật đến các bạn khái niệm tố tụng dân sự là gì?
1. Tố tụng dân sự là gì?
Tố tụng dân sự cũng là trình tự giải quyết cho một vụ việc dân sự do pháp luật quy định. Đó là quá trình mà Toà án áp dụng pháp luật dân sự để thụ lý và giải quyết. Qúa trình này sẽ chính thức bắt đầu kể từ thời điểm vụ việc được thụ lý. Đồng thời kết thúc khi vụ việc đó được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực. Trình tự này bao gồm trình tự giải quyết vụ án dân sự và giải quyết việc dân sự.
Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự là quan hệ giữa Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan thi hành án, đương sự, người đại diện của đương sự, người phiên dịch, người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định, người định giá tài sản và người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự.
Trong đó có thể chia thành nhiều loại như sau:
- Quan hệ giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án với đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và các chủ thể khác có liên quan;
- Quan hệ giữa giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án với nhau;
- Quan hệ giữa đương sự với các chủ thể khác có liên quan.
Có thể thấy những mối quan hệ trên không mang tính chất bình đẳng. Cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án mang tính chất quyền uy, mệnh lệnh và đóng vai trò mang tính chất quyết định trong việc giải quyết vụ việc dân sự.
Nguyên tắc điều chỉnh của Luật Tố tụng dân sự:
- Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác theo quy định tại Điều 4 Bộ Luật tố tụng dân sự;
- Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự: Xuất phát từ phương pháp định đoạt trong pháp luật dân sự thì đương sự có quyền quyết định việc có khởi kiện hay không và Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện; Trong suốt quá trình khởi kiện đương sự cũng có quyền yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt việc khởi kiện;
- Quyền cung cấp chứng cứ chứng minh của đương sự được quy định tại Điều 6 Bộ Luật tố tụng dân sự: Tòa án chỉ có nghĩa vụ hỗ trợ thu thập chứng cứ chứng minh;
- Bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự: Tòa án tạo điều kiện cho đương sự thực hiện được tất cả quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật;
- Hòa giải trong tố tụng dân sự: Được quy định trong điều 10 Bộ Luật tố tụng dân sự, xuất phát từ nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.
2. Trình tự giải quyết trong tố tụng dân sự
2.1. Trình tự giải quyết vụ án dân sự
Đối với nội dung này, trình tự giải quyết được xác định bao gồm:
- Thủ tục sơ thẩm: thủ tục thông thường hoặc thủ tục ngắn gọn;
- Thủ tục phúc thẩm: thủ tục thông thường hoặc thủ tục ngắn gọn;
- Thủ tục xét lại bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
So với việc dân sự thì trình tự giải quyết vụ án dân sự sẽ mất thời gian hơn. Bởi trường hợp này sẽ phát sinh khi các bên xảy ra tranh chấp. Vì vậy mà cần trải qua nhiều giai đoạn và thủ tục để đưa ra phán quyết cuối cùng.
2.2. Trình tự giải quyết việc dân sự
Điểm khác biệt lớn nhất giữa việc và vụ án dân sự là những tranh chấp phát sinh. Đối với những việc dân sự, quan hệ dân sự phát sinh mà không xuất phát từ bất kỳ tranh chấp nào. Do vậy, dù có sự tương đồng về trình tự giải quyết thì trình tự này không được quy định thêm về các thủ tục rút gọn. Quá trình giải quyết tương đối ngắn gọn mà không mất quá nhiều thời gian.