Tội lừa dối khách hàng và trách nhiệm pháp lý
Mục lục
Nhiều chủ thể kinh doanh vì muốn đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên đã có nhiều hành vi lừa dối người tiêu dùng cùng nhiều thủ đoạn tinh vi. Vậy pháp luật quy định như thế nào về tội lừa dối khách hàng và hình phạt cho tội này là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
1. Tội lừa dối khách hàng
Lừa dối khách hàng là hành vi gian dối của người bán trong việc kinh doanh gây thiệt hại cho khách hàng, người tiêu dùng. Lừa dối khách hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác cũng như xâm phạm trật tự kinh tế.
Tội lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
……”
Tội lừa dối khách hàng đã được quy định trong Bộ luật hình sự 1999. Tuy nhiên Bộ luật hình sự 2015 đã có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình mới. Những điểm thay đổi như:
- Bỏ đi tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” là tình tiết định tội. Tức vấn đề hậu quả nghiêm trọng không còn là yếu tố xác định tội phạm;
- Bổ sung tình tiết định khung ở khoản 1 là thu lợi bất chính 5-50 triệu đồng;
- Giải thích rõ thu lợi bất chính là gì;
- Tăng hai tình tiết định khung là tính chất chuyên nghiệp và thủ đoạn xảo quyệt;
- Giảm mức hình phạt so với bộ luật cũ.
Tội phạm này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội sản xuất buôn bán hàng giả, chúng ta phải phân biệt rõ ràng để tránh nhầm lẫn.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
So với tội sản xuất buôn bán hàng giả thì người bán hàng không phải sản xuất buôn bán hàng giả để lừa dối khách hàng mà chỉ dừng lại ở việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Hàng hóa dịch vụ ở đây không phải hàng giả mà chúng chỉ khách thỏa thuận ban đầu giữa khách hàng và người bán mà thôi.
Trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản người phạm tội có được tài sản thông qua những giao dịch hợp pháp, sau khi có tài sản đã dùng một trong những thủ đoạn trong đó có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó. Tội phạm này thường diễn ra trong các hoạt động giao dịch vay mượn, cầm cố, thế chấp…
2. Hình phạt cho tội lừa dối khách hàng
Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực ngày 01/01/2018 quy định về” Tội lừa dối khách hàng”:
1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các khung hình phạt cho tội lừa dối khách hàng như sau:
- Cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.