Vai trò và nguồn của Luật Dân sự
Mục lục
Luật Dân sự là ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều chỉnh một số quan hệ dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt, tự chịu trách nhiệm trong quan hệ dân sự. Vì lẽ đó Luật dân sự giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia vào quan hệ dân sự. Ở bài viết này chúng tôi tập trung làm sáng tỏ khái niệm, vai trò cũng như nguồn của Luật Dân sự tại Việt Nam.
1. Luật Dân sự là gì?
Luật Dân sự là ngành luật trong hệ thống pháp luật, tổng hợp tất cả những quy phạm điều chỉnh quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong giao dịch dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự.
Luật dân sự có những nguyên tắc cơ bản và chế định khác nhau: chế định về nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, chế định về tài sản và quyền sở hữu, chế định về thừa kế, chế định quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, chế định bồi thường ngoài hợp đồng… Mỗi chế định sẽ có những nguyên tắc riêng trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc chung của Luật Dân sự, vừa phù hợp với chế định vừa không trái tinh thần của Luật Dân sự nói chung và hệ thống pháp luật nói riêng.
2. Vai trò của Luật Dân sự
Với những phân tích như trên về khái niệm của Luật Dân sự thì chúng ta có thể thấy Luật Dân sự có vai trò rất lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ cơ bản nhất trong đời sống và kinh tế của mọi người dân. Nhà nước xem Luật Dân sự là công cụ, phương tiện quan trọng và hữu hiệu bật nhất trong việc cụ thể hóa đường lối của pháp luật và Đảng.
Bộ Luật Dân sự (BLDS) là một trong những cơ chế để cụ thể hóa vai trò của Luật Dân sự, vấn đề này thể hiện rõ ràng tại Điều 1, Bộ Luật Dân Sự 2015.
2.1. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong giao dịch dân sự
Luật Dân sự Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan vì vậy các chủ thể khi tham gia vào các giao dịch dân sự hiểu rõ quyền và lợi ích của bản thân và đối tác. Từ đó họ dễ dàng tự bảo vệ được quyền của bản thân mình và không xâm phạm quyền lợi của các cá nhân khác trong cùng giao dịch dân sự.
2.2. Tạo hành lang pháp lý trong quan hệ dân sự
Khi các cá nhân tham gia vào quan hệ dân sự thì quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Nhà nước và Pháp luật bảo vệ. Các chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật, tạo tâm lý thoải mái, yên tâm khi tham gia vào các giao dịch dân sự.
3. Nguồn của Luật Dân sự
Muốn nghiên cứu các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật thì cần phải tìm hiểu về nguồn của Luật Dân sự. Vấn đề này được hiểu nôm na là những quan hệ xã hội cần thiết cần được điều chỉnh, thể ý chí của giai cấp thống trị được đưa lên thành luật, chúng thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về việc quản lý các quan hệ dân sự trong thời đại mới.
Hình thức thể hiện ra bên ngoài của nguồn Luật Dân sự là những văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Hiện nay BLDS 2015 có quy định thừa nhận việc áp dụng án lệ trong việc giải quyết các tranh chấp trong quan hệ dân sự. Vì vậy, nguồn của Luật Dân sự hiện nay không chỉ bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật mà còn là tập hợp những tập quán được xác định trong những án lệ.
Phân loại nguồn của Luật Dân sự:
- Văn bản quy phạm pháp luật: Hiến Pháp, BLDS, các văn bản khác như Luật hôn nhân và gia đình, Luật doanh nghiệp, Luật phá sản, Luật đất đai, Luật trẻ em, Luật về bảo vệ và phát triển rừng…. Nghị Quyết của Quốc hội, các văn bản dưới luật như pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư, chỉ thị của các bộ, các cơ quan ngang bộ, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Án lệ.