Xác định điều luật áp dụng đối với tội phạm theo thời gian
Để tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội, giáo dục, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về các nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự. Một trong số đó là nguyên tắc xác định điều luật áp dụng đối với tội phạm theo thời gian.
Hiệu lực về tội phạm theo thời gian của Bộ luật Hình sự (gọi tắt là “BLHS”) 2015 được quy định tại Điều 7 với nội dung như sau:
“1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.”
Với nội dung trên, ta có thể thấy rõ Khoản 1 là điều khoản quy định nguyên tắc luật hình sự được áp dụng phải đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Vậy, luật hình sự chỉ có hiệu lực để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi được thực hiện sau khi luật được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Trong trường hợp này, văn bản luật hình sự không có hiệu lực trở về trước. Do đó, việc xác định thời điểm thực hiện tội phạm có một ý nghĩa rất lớn đối với việc xác định luật áp dụng. Quy tắc này không chỉ phù hợp các nguyên tắc công bằng và nhân đạo của pháp luật hình sự của nước ta mà còn phù hợp với pháp luật hình sự của các nước trên thế giới.
Khoản 2 và Khoản 3 phân biệt nhóm quy định không có lợi cho người phạm tội và nhóm quy định có lợi cho người phạm tội nhằm xác định về hiệu lực thời gian của từng nhóm theo BLHS 2015 hay là theo BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 . Theo đó, tại Khoản 2, những điều luật quy định có nội dung không có lợi cho người phạm tội không có hiệu lực trở về trước; tại Khoản 3, những điều luật có nội dung có lợi cho người phạm tội được phép có hiệu lực trở về trước.
Bên cạnh quy định tại Bộ luật hình sự 2015, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn như Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP, Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 và Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 để quy định chi tiết về hiệu lực thời gian của BLHS 2015, góp phần giúp cho việc xác định điều luật áp dụng đối với tội phạm theo thời gian được thống nhất trên phạm vi cả nước.
Tóm lại, đối với vấn đề tội phạm theo thời gian, nếu việc áp dụng luật mà không có lợi cho người được áp dụng thì luật hình sự không có hiệu lực trở về trước. Ngược lại, việc áp dụng luật mà có lợi cho người được áp dụng thì luật hình sự có hiệu lực trở về trước.